Cách giữ nhịp khi chơi đàn

Có dịp ngồi chầu rìa trong các hội nhóm, Sweet hay thấy có nhiều người than sao mà giữ nhịp khó quá, như nhịp được chân thì tay bốc lộn dây, bốc được dây thì chân nhịp loạn xạ… Thậm chí nhiều người đánh rất sung, tay múa như tiên nhưng nhịp thì đi trớt quớt cả hàng cây số, nghe một hồi mới mang máng nhận ra giai điệu. Không biết khởi đầu học làm sao mà nên nỗi vậy !

Vạn sự khởi đầu nan. Nói vậy thôi chứ chỉ cần một chút xíu kiên nhẫn chứ cái này dễ ẹt hà. Nếu bạn quyết định theo chương trình “Lớp học online 365” này, vậy chịu khó bắt đầu bằng những bài đầu tiên đi. Một khi biết giữ nhịp thì con đường học sau này thênh thang, muốn chơi bài nào cũng được dù không biết trước giai điệu của nó. Học giữ nhịp vô cùng quan trọng, là cái căn bản nhất khi mới học mà thật ra lại không khó, chỉ hơi phiền cái lỗ tai lúc đầu mà thôi. Nói vậy là tại vì bắt buộc bạn phải chơi với máy đánh nhịp, nghe rất ồn.

Vậy sau khi xem qua tập 1, ghi chép lại một số điểm quan trọng, bạn bắt đầu tập đàn từ bài thứ 2. Mới học sẽ thấy bỡ ngỡ nhiều vì có rất nhiều thứ cần phải làm cùng một lúc : nhìn dây nhớ nốt, mắt nhìn bản đàn, tay phải đánh dây, tay trái đeo móng lần dây, chân đập nhịp. Nhưng may thay, đây lại là giáo trình học từ căn bản nên nhạc khúc đầu tiên chỉ có 3 nốt Đô – Rê – Mi, vừa học vừa nhớ dây rất tiện. Vậy là đơn giản bớt một việc. Nhưng những gì cần làm còn rất nhiều, mình cũng chẳng phải thánh nên để đơn giản hơn, bạn xướng âm – tức hát nốt cho thuộc theo cô giáo, hoặc vừa hát vừa nhịp chân theo máy. Vì mục đích chính là học giữ nhịp nên bạn cũng tạm không đeo móng tay trái, chỉ chơi tay phải thôi. Rốt cục, sau khi thuộc bài, bạn chỉ chơi với 3 dây Đồ – Rê – Mi bằng mỗi ngón cái, chân đập nhịp. Mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Trong bài học số 2 này, trừ các bài luyện đơn lẻ một nốt, ba nhạc khúc đầu tiên chỉ toàn nốt đen, hai bài cuối vừa có nốt đen và nốt móc đơn. Cách thiết kế đúng là từ dễ đến hơi khó hơn một chút xíu !

Tuy bài đàn viết bằng số nhưng khi xướng âm vẫn xướng theo lối Tây phương. Các nốt cũng vậy, chỉ khác nhau về hình thức, chứ về cốt lõi giống y. Theo đó, ba bài đầu tiên khi các bạn xướng âm, hoặc đàn cứ nhìn mỗi số là một nốt đen. Khi bật máy đánh nhịp, cứ canh sao cho mỗi nốt khi gẩy lên hợp cùng một tiếng với nhịp chân và máy đánh nhịp. Vì đây là video, bạn có thể nhìn bắt chước, thậm chí đàn theo rất dễ.

Nhiều người nói không cần phải máy chi cho mệt, chỉ nhịp tay hoặc nhịp chân là đủ. Nhưng thật ra không phải. Vì bạn mới học, tay trái phải rung nhấn, lại thêm vướng móng đàn nên chưa quen, rất dễ rớt nhịp. Trong chương trình học này, các bài học từ 1 – 15 đều rất dễ, chỉ toàn là nốt đen và nốt móc đơn, bạn học thuộc, đàn đi đàn lại nhiều lần tự nhiên quen sẽ không cần đến máy nữa. Nhưng riêng đến bài số 16, có trích đoạn bài sông Lưu Dương thì rất nên tập với máy đánh nhịp. Bài này vừa rung vừa nhấn vừa có dấu Á trang trí, móc đơn, móc kép tùm lum, có lúc bốc dây rất xa… Bạn tập được với máy, đánh đúng nhịp thì sẽ khác hẳn với đa số người chơi hiện nay, tay tiên yểu điệu có thừa mà giai điệu bài nhạc thì đi đâu trớt quớt.

Cuối bài viết là hình các bài đàn trong video số 2 này. Xin nhớ khi thấy mũi tên đập xuống là chân bạn đập xuống. Nếu nhịp 2/4 thì mỗi ô nhịp phải nhịp chân 2 lần, nhịp 3/4 thì 3 lần, nhịp 4/4 thì 4 lần. Trong hình mình có thêm hình nốt theo ký âm phương Tây, bởi vì dù sao trong những bài về sau cô giáo cũng phải gọi tên nó bằng nốt tròn, nốt đen, nốt móc đơn…, làm như vậy để các bạn có thể quy ra nốt đen, sau này có sheet sưu tầm, nếu cần tính sẽ khỏi bỡ ngỡ.

Trong loạt bài học này chỉ có nốt đen, nốt móc đơn và nốt lặng thôi. Về sau, có dạng hình nốt khác, cô giáo cũng sẽ giảng. Từ từ sẽ quen. Tất cả nhằm mục đích để bạn tránh đàn một bài lạc nhịp, rời rạc, người nghe không nghe ra bạn đàn cái gì. Mọi thứ bắt đầu bằng những thứ đơn giản như thế này để bạn có thể tiến xa hơn, nhìn bất cứ bài đàn nào cũng quất được hết.

Khi xem video, bạn sẽ thấy cô giáo để tốc độ chơi. Thí dụ để nốt đen ♩ = 60. Điều đó có nghĩa là bài đó được đánh với tốc độ (Tempo) 60, tức trong 1 phút máy chia ra gõ đều đặn được 60 tiếng. Dĩ nhiên nếu để tốc độ bằng 40 thì bạn nhịp chân sẽ chậm hơn 60 smile

Trong lúc tập, nếu thấy không chắc chắn lắm, bạn có thể gửi cho Sweet bài thu âm với tiếng đánh nhịp trong blog này hoặc forum Bạch Ngọc Sách.

Lưu ý nhỏ : Khi xướng âm, vì hệ thống thanh ngữ trong tiếng Trung không có phụ âm Đ nên khi xướng âm nốt Đồ họ sẽ hát thành Tồ. Mình người Việt Nam hát Đồ được cứ hát, không phải mất công bắt chước họ nha.

Sheet Dao A Dao

Sheet Tôi và bạn

Sheet Trái Táo

Sheet Hồ Điệp

3 phản hồi

  1. カイン says:

    Cám ơn bạn, mong bạn ra nhiều bài viết hay hướng dẫn cho những anh em đam mê học đàn mà mù mờ tiếng như mình đây. Không biết bạn có chơi fb, hay nhóm fb nào không nhỉ?

  2. Nhan Uyển Thư says:

    Em có may mắn là học organ 3 năm lúc nhỏ nên mấy vụ nhịp phách này tương đối ổn tỷ ạlaugh Em đang tìm mua cái máy đánh nhịp, do nhịp chân mỏi quá, he he laugh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *