Chọn mua Guzheng trên Taobao – Phần 1

Bắt đầu từ đâu ?

Thường người mới học hay nhờ thầy cô mua đàn tư vấn rồi chọn mua giùm. Vậy thì dễ rồi. Nhưng cũng có những người đã từng học qua một loại nhạc cụ, hoặc nơi họ ở không có lớp dạy… nên phải tự mua đàn lấy. Thời buổi bây giờ đặt hàng online được, chỉ cần ngồi nhà lướt web bấm chuột, chờ vài ngày là đàn giao tận nhà. Thật tiện vô cùng ! Song vì không biết gì hết nên mua hiệu nào, chọn đàn gì thì khó quyết định đúng không !

Sweet đã từng học đàn tranh Việt Nam rồi, có cơ bản nên nghĩ tự học cũng được. Ban đầu mình liên lạc với các shop bán đàn để mua cho đơn giản nhưng lạ một điều là việc không thành, sau nhờ chơi và dịch truyện trong forum Bạch Ngọc Sách nên mới nảy ra ý định đặt mua trực tiếp trên mạng Taobao của Trung Quốc. Sweet nghĩ câu hỏi trên cũng là câu hỏi chung cho các bạn có cùng hoàn cảnh tự lực cánh sinh như mình.

Nói chung, sau khi lướt mạng Tàu, mạng Việt, mạng tiếng Anh thì cách chọn đơn giản chỉ dựa vào hai yếu tố : giá và hiệu. Tại vì ở Vn mình không có shop có đủ các loại đàn như ở Trung Quốc được. Về hiệu thì chọn hiệu có tiếng, danh sách sẽ nói sau ; về giá thì trong khoảng 1,5k – 3k tệ tiền Trung Quốc, đó là gộp ý kiến của cả Tàu lẫn Việt. Như vậy, mình sẽ có một cây đàn tiếng khá khá, chất lượng cũng đảm bảo, không chơi nữa bán cũng ít lỗ và mau ! Tại sao nên chọn trong khoảng giá đó, tiếng và chất lượng như thế nào là tốt thì mình sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

Còn về tiếng Trung, bạn đừng lo không đọc được. Thứ nhất là vì mình có thể đọc dịch tự động sang tiếng Anh được, trong trình duyệt Chrome có chức năng này. Trên mạng có rất nhiều bài hướng dẫn chỉ cho bạn cách tùy chỉnh. Bạn chịu khó một chút sẽ thấy là đọc cực mau và vô cùng tiện lợi. Thứ hai là số lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt chiếm quá nửa, các bạn đọc nó qua Quick Translator sẽ hiểu. Cái này mình cũng sẽ trình bày rõ hơn ở phần sau.

Chọn tiếng

Nhiều người hay khuyên mới học thì mua một cây rẻ tiền chơi cho biết là được rồi. Sweet thấy nó chỉ đúng một phần nào thôi. Tỷ như một cây đàn tranh Trung Quốc tính ra tiền Việt chừng 2 triệu cũng có mà cả tỷ bạc cũng có. Biên độ giá rất rộng. Đâu phải vì vậy mà bạn phải chọn cây rẻ nhất đâu. Bạn mới học, không biết có theo được lâu dài hay không, tài chánh hạn hẹp, chơi một cây ngất ngưởng mấy chục triệu thì đúng là khó. Nhưng giữa một triệu và vài triệu thì vẫn có khả năng đúng không ? Vì vậy nếu bạn có ý định học nghiêm túc thì đừng mua rẻ quá, mua một cây trung bình là được. Tại vì cây rẻ quá thì có khi cây đàn làm bằng gỗ ép, chất lượng gỗ xấu, tiếng sẽ không hay, học sẽ mất hứng.

Sweet học đàn tranh Việt Nam lúc nhỏ, từng thấy bạn học vì không có điều kiện mà mua một cây đàn lụi, tiếng bị lì, ngân ít mà âm sắc nghe cũng không bằng những cây đàn khác trong lớp. Gần đây theo lớp học đàn Trung Quốc cũng thấy hiện tượng giống giống như vậy. Lớp học có rất nhiều đàn, nay chơi cây này, mai chơi cây khác, có lần vớ phải một cây tiếng khác hẳn, Sweet ngạc nhiên nói với cô giáo, cô giáo nói không có gì lạ tại vì nó mắc tiền hơn

Qua nhiều lần đến lớp, rồi sau này tự mua đàn chơi, mình nghĩ lúc mới học mua một cây vừa tầm, tiếng ngân vang và dài là được, âm sắc thì tùy hiệu.

Về âm sắc, nó giống giống như chất giọng của từng người. Bạn chọn mua trên Taobao sẽ thấy có clip video cho nghe thử. Thí dụ như hiệu Quỳnh Hoa thì tiếng trầm, Chu Tước tiếng sắc và cao, Kim Vận thì không cao cũng chẳng trầm… Âm như thế nào thì tùy theo ý thích của mỗi người. Mà thật ra, đây cũng chỉ là ấn tượng ban đầu mà thôi chứ nghe tiếng qua thu âm không hẳn giống như nghe thực do hạn chế ở chất lượng của máy móc, tự tay mình khảy dây đánh lên tiếng sẽ khác.

Dù sao đi nữa, chọn đàn tiếng nên vang to chứ nhỏ quá không hay, khi nhấn nhá không bị tuột dây, nhạn không bị xê dịch và tiếng ngân thì đầy và lâu. Bạn đã biết đàn sơ sơ, hoặc đã học qua đàn tranh Việt Nam có thể thử nhấn từ Mi lên Sol, hay từ La lên Đô nghe xem như thế nào. Tai nghe không chuẩn thì đo bằng máy lên dây. Nếu nhấn không lên được một cung rưỡi là không tốt. Nhấn đạt cao độ mà tiếng ngân vang, đầy và lâu thì quá hay. Cái hậu này rất quan trọng khi bạn học chơi bản xưa.

Một khía cạnh khác về chuyện tiếng hay hay dở, mình nghĩ có một điều mà ít người để ý. Đó là trước khi chơi phải lên dây cho đúng ! Khi mới học, bạn không cần phải đánh được các bài thời thượng dài dòng để thấy cái đẹp của âm thanh mà chỉ cần đánh đúng các bài nho nhỏ một cách chân phương nhất, không rung nhấn gì cho phức tạp. Lên dây đúng bạn sẽ thấy âm thanh ấm áp lan trong thớ gỗ, nghe phát nghiện chơi hoài không chán. Đó là cảm giác của Sweet khi nhỏ chơi đàn tranh Việt Nam. Mà bài nhạc có hai dòng với ba nốt Đồ Rê Mi mà thôi.

Việc lên dây bây giờ đã có máy đo, dễ hơn hồi xưa nhiều. Hồi xưa cô giáo dạy đàn chỉ lấy dây La làm mốc, các dây khác thì lên theo thói quen và canh theo quãng 8. Giờ nhìn lại Sweet thấy cách lên theo tai nghe kiểu xưa nó không hẳn chính xác rô-bô như máy, chỉ xê dịch có một ly xíu xiu thôi nhưng tiếng sẽ mềm dịu hoặc bóng bẩy trong sáng tùy người chơi. Bạn mới học không cần phải có tai nghe cầu kỳ như vậy, chỉ cần theo đúng máy đo là được rồi. Dù là đàn Việt Nam hay Trung Quốc, cơ bản đều có ba quãng 8 hoàn chỉnh : bậc trầm, bậc trung và bậc cao. Rảnh bạn thử chỉnh bậc cao hơi nhỉnh hơn bậc cao một chút, cây kim chỉ âm hơi nhích một chút xíu thôi nha. Biên độ cực nhỏ nhưng trên tổng thể âm sắc sẽ hơi khác

Nói tóm lại, lên dây rất quan trọng, chẳng thà đàn lụi mà lên đúng còn hơn là đàn tốt mà lên sai, chơi hoàn toàn mất hứng !


Các bài liên quan :

Bài 2 : Chọn mua Guzheng – Phần 2

Bài 3 : Cách đặt mua Guzheng trên Taobao

0 vues


2 phản hồi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *