370. Tuyết Vực
Quyển 11 : Tuyết Vực Phật Quốc

Đây là nơi cao nhất của Tuyết Vực.

Núi non sừng sững uy nghiêm, trên đỉnh là băng tuyết trắng xóa vạn năm không tan, cung điện thì tinh xảo tráng lệ, nhấp nhô chập trùng, còn dưới chân núi là vô vàn điện thờ phủ phục xung quanh.

— Đó chính là thánh điện Tuyết Vực.

Lúc này Phó Triêu Sinh đang đứng trong chánh điện.

Dưới ánh trăng lành lạnh, có mấy người khoác tăng y đỏ sậm đang chầm chậm đi ngang qua trước cửa điện. Bên trong điện còn có ba tăng nhân khác nữa, tu vi dều đạt tới cảnh giới nguyên anh. Tất cả cùng ngồi xếp bằng, mỗi người một tay cầm một cái trống con, tay kia cầm chuông kim cương, miệng ê a ngâm tụng không dứt.

Nhưng chẳng có một ai nhìn thấy Phó Triêu Sinh.

Tuy bây giờ mặt trời đã lặn, tu vi của hắn đã tụt xuống mức thấp nhất do chịu ảnh hưởng của quy luật thiên nhiên nhưng để đi lại trong thánh điện này như ở chốn không người thì vẫn còn dư sức, chẳng người nào có thể phát hiện ra nổi sự có mặt của hắn.

Phó Triêu Sinh tản linh thức ra khắp nơi. Toàn bộ thánh điện, thậm chí là cả ngọn núi thánh này, từ từng điện thờ, từng cái bàn cái ghế cho đến từng cử động một của mỗi tăng nhân đều hiện rõ rành rành trước mắt hắn.

Có người thì thanh tịnh tu hành, có người trông vô cùng khó coi…

Nhưng người mà hắn tìm thì lại chẳng thấy đâu.

Trong đại điện có thờ một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni rất lớn nhưng vì không gian hơi thiếu sáng nên trông ngài có vẻ âm âm u u.

Phó Triêu Sinh hơi nhíu mày nhìn bức tượng. Ánh mắt hắn bình thản, chẳng đượm chút cảm xúc chứ đừng nói chi là kính sợ hay tôn sùng. Hắn nhìn nó đơn giản như nhìn bất kỳ con tò he bằng đất nào trên thế gian này.

Cho dù có Phật sống thực sự ngự ở nơi đây, chưa chắc Phó Triêu Sinh đã nhìn bằng cặp mắt khác huống hồ tượng chỉ là một thứ vật chết không hơn không kém.

Hắn hạ mắt, lững thững đi len vào chính giữa ba vị tăng đang tụng kinh, chéo áo bào đầy họa tiết xanh rêu khẽ quét qua chiếc chuông kim cương đang rung rung trong tay một người nhưng chẳng ai hay biết cả.

Qua khỏi bàn thờ bày biện đồ cúng và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là đến hậu điện.

Thánh điện là một quần thể rộng lớn. Tháp cao như rừng, cột đá khắc chạm chư Phật song song nối nhau liên miên, chỗ thì phản chiếu lấp lánh như cột đồng, chỗ thì ánh sáng và bóng tối đan xen tùy theo sức che của các mái hiên cong vút. Bóng Phó Triêu Sinh loáng thoáng đi bên trong nhìn vô cùng quỷ mị.

Cứ đi mãi qua lớp lớp điện đài lầu các như vậy thì cuối cùng cũng tới chỗ cuối thánh điện.

Nơi này là một vùng băng nguyên rộng lớn. Dưới ánh trăng treo nơi cuối trời, mặt băng trong suốt lấp lánh như một phiến ngọc lưu ly. Nhưng phiến ngọc này không phải là điều bắt mắt nhất mà lại là một cái hồ nước cực lớn trông chẳng khác gì một viên cẩm thạch xanh biếc khảm trên mặt băng.

Trăng sáng, gió thổi hiu hiu, mặt hồ lăn tăn gợn sóng.

Bao la, mênh mông như một vùng biển phơi mình trên băng tuyết.

— Đây chính là thánh hồ Già Lam, hồ nước nằm trên vùng đất cao nhất trên toàn Thập Cửu Châu mà tăng nhân Tuyết Vực và mọi tín đồ đều ca tụng là “hồ nước trên không.”

Bí cảnh

Xin điểm chỉ quyết trên giao diện để hóa giải chướng nhãn pháp !

5 phản hồi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *