38. Chẳng chém tà ma

– Đâu có gì đâu thầy…

Kiến Sầu bỗng chợt cảm thấy thái độ của Phù Đạo sơn nhân thật buồn cười. Đôi con ngươi trong mắt xoay chuyển tư lự một hồi, nàng bèn đáp : “Con nghe nói Côn Ngô là tuyệt đỉnh của trung vực, thậm chí so với Nhai Sơn, địa vị còn cao hơn một chút nữa kia. Con mộ danh đã lâu nên muốn tới đó xem xem phong cảnh thế nào…” 

– Hừ ! Côn Ngô là cái thá gì chứ !

Phù Đạo sơn nhân liền nổi cơn lôi đình, nhưng chỉ thoắt sau đã vỗ trán kêu lên : “Tiêu rồi, không phải, không phải ! Đồ nha đầu chết tiệt, đừng có mà đánh trống lảng nữa. Mau nói cho ta biết đi. Không lẽ chồng trước của con là… là cái thằng đó hả ?”

– Thằng nào thầy ?

Kiến Sầu liền trưng cái mặt ù ù cạc cạc ra nhìn lão.

Phù Đạo sơn nhân tức mình nghiến răng kèn kẹt : “Giả bộ cái gì ? Là cái thằng họ Tạ mười ngày trúc cơ đó chứ còn ai nữa ?”

– … Thôi thầy ra ngoài giùm đi !

Kiến Sầu nghĩ nghĩ rồi đẩy Phù Đạo sơn ra ngoài : “Con muốn tu luyện, sư phụ đừng phá con nữa.”

– A a a a a… Nói mau, có phải là cái thằng đó không ?

Phù Đạo sơn nhân hai tay bấu chặt lấy khung cửa, cố sống cố chết không chịu đi, cứ đứng đó kình Kiến Sầu : “Phải cái thằng mười ngày trúc cơ đó không ? Không lẽ vậy mà đúng thiệt rồi ? Sao lại là Côn Ngô chứ ? Rốt cục chồng trước của con tên gì ? Nói mau đi ――”

Kiến Sầu hết biết làm sao với lão, chỉ hỏi ngược lại : “Sư phụ nghĩ xem, khả năng y là tuyệt đỉnh thiên tài được bao nhiêu chứ ?”

– Giết vợ chứng đạo, vô tình chí cực, chắc chắn là thứ chó chết, chẳng ra gì. Huống chi nó còn đào hố chôn con, lại còn dựng mộ bia nữa. Nhìn qua một cái là biết dù giết vợ cũng chẳng chứng đạo được.

Phù Đạo sơn nhân phân tích một tràng rồi tiếp : “Tại vì mắc tâm ma nên tu luyện chắc không nhanh đâu, rất có khả năng sẽ bị trì trệ.”

– Vậy chẳng phải xong chuyện rồi sao ?

Kiến Sầu giơ tay nhún vai, tỏ ý cho lão biết tới lúc ra ngoài được rồi.

Nhưng Phù Đạo sơn nhân cứ nghi nghi : “Xong xong cái gì ? Hình như con lấp liếm qua mặt ta thì phải ? Rốt cục chồng trước của con tên gì ? Con không nói, ta nhất định không đi !” 

Tạ Bất Thần Côn Ngô.

Kiến Sầu làm sao có thể nói thật cho lão biết chứ !

Nàng đáp : “Sư phụ, thầy đừng có nghĩ lung tung nữa. Đồ nhi biết người khác ở Côn Ngô nhưng hắn không phải là Tạ Bất Thần. Tương lai đồ nhi tu luyện tới nơi tới chốn, thầy chỉ cần dẫn con đi thì con sẽ nói cho thầy biết đó là ai.”

– A… cái con này !

Phù Đạo sơn nhân chống nạnh định la nàng : dấu dấu giếm giếm như vậy tưởng giỏi lắm hả ? Không ngờ vừa tức giận ngước lên nhìn lão bỗng chợt sững người.

Hai mắt Kiến Sầu trở nên bình thản nhẹ nhàng, một chút đùa cợt cũng chẳng có : “Sư phụ, thầy biết rồi thì sao ? Thầy có thể lên Côn Ngô, lôi y về đây, bắt y quỳ xuống trước mặt con, để con giết y ư ?”

Cho dù người đó có phải là Tạ Bất Thần hay không, Kiến Sầu cũng đã nói rõ cho lão biết một điểm : Chồng cũ của nàng hiện ở Côn Ngô.

Côn Ngô là chỗ nào chứ ?

Cũng giống như Nhai Sơn, Côn Ngô chỉ nhận tài năng kiệt xuất. Nhưng Nhai Sơn so ra khá im hơi lặng tiếng, thậm chí còn có phần giống như lánh đời chứ còn Côn Ngô thì thanh thế rầm rộ, biểu hiện tỏ ra đúng là hàng cây đa cây đề của một môn phái chính thống, lý tưởng cho việc tu hành trên đất Thập Cửu Châu.

Thậm chí đến tiểu hội Tả Tam Thiên trung vực cũng do bọn họ chủ trì đấy thôi.

Côn Ngô thế lớn là chuyện khỏi cần phải bàn.

Nhưng chồng cũ của nàng mà đã ở Côn Ngô thì chắc một điều rằng tài năng của y nhất định phải siêu phàm, chứ nếu không đời nào lại dễ lọt được vào mắt xanh Côn Ngô ? Nếu y đã là đệ tử ở đó, Phù Đạo sơn nhân làm sao ra tay với họ đây ?

Nếu Kiến Sầu nhớ không lầm thì lão còn là trưởng lão chấp pháp của toàn trung vực. Nghe nói vị trí này rất đặc biệt, làm sao có thể khiến hai phái mâu thuẫn được cơ chứ ?

Dù gì đi nữa, giở cách “tới bắt con cháu nhà người ta lôi đi” như thế này là chuyện không tưởng.

Phù Đạo sơn nhân với lão già dịch Hoành Hư tuy chẳng ai ưa ai nhưng năm xưa dù sao cũng là từng cùng thành danh, thậm chí còn từng thắng lớn ở tiểu hội Tả Tam Thiên nữa. Phù Đạo sơn nhân cứ cáu bẳn cẳn nhẳn vậy thôi chứ trên thực tế biển khơi cách trở muôn trùng là vậy mà cái lão Hoành Hư kia lại vẫn gửi tin cho, bao nhiêu đó đủ thấy là hai người bọn họ tương giao hẳn phải không tệ.

Những chuyện như vậy Kiến Sầu thấy rất rõ. Nàng không muốn sư phụ mình khó xử mà cũng chẳng muốn lão phải canh cánh mang nặng trong lòng.

Kiến Sầu đi tới, nheo mắt cười tít với lão, nói : “Sư phụ, việc của đồ nhi cứ để đồ nhi tự xử đi. Dù đều là chuyện xảy ra khi trước nhưng cái gì cũng phải để sư phụ nhúng tay can thiệp thì con khổ sở bước chân vào con đường tu hành để làm gì, hóa ra một chút tiến bộ cũng chẳng có, đúng không ?”

– Nói là nói vậy…

Phù Đạo sơn nhân vẫn còn dùng dà dùng dằng.

Kiến Sầu bảo : “Con hứa với thầy sẽ giải quyết chuyện này trước khi lên xuất khiếu, không để thầy phải lo.”

Bộ dạng chắc như đinh đóng cột.

Phù Đạo sơn nhân mệt mỏi hầm hừ : “Có phải con còn niệm tình cũ với chồng cũ, sợ sư phụ đánh gã, làm gã bị thương chứ gì ?”

– …

Kiến Sầu giật mình, rồi chợt phì cười. Nàng không ngờ Phù Đạo sơn nhân lại nghĩ như vậy.

– Cười cười cười, cười cái gì ?

Phù Đạo sơn nhân bực mình, la to : “Có cái gì đáng cười lắm hả ?”

Mãi một lúc lâu sau, Kiến Sầu mới thôi. Nàng không biết phải nói thế nào, chỉ rũ mi rồi lại từ từ ngước lên nhìn. Sắc mặt lúc này đã trở lại bình tĩnh, đáy mắt cũng ánh lên trong trẻo thản nhiên lạ lùng : “Hóa ra, trong mắt sư phụ con là người quên thù dễ dàng như vậy sao ?”

– Ta…

Phù Đạo sơn nhân bỗng chợt nhớ tới tiếng khóc tức tưởi của nàng trong gian nhà ở nơi sơn thôn ngày hôm đó mà nói chẳng nên lời.

Kiến Sầu ra vẻ vô tư, đẩy lão đi : “Thôi, sư phụ đừng lo nữa. Đồ nhi bế quan đây. Con sẽ tu luyện cho giỏi, nhất định sẽ không phụ lòng trông mong của sư phụ. Chờ con xuất quan, chắc chắn sẽ thành tài khối thứ !”

Lần này rốt cục Phù Đạo sơn nhân cũng bị đẩy đi hẳn.

Kiến Sầu thoải mái vẫy vẫy tay tạm biệt rồi đóng cửa lại.

– Nó vậy mà tống luôn sơn nhân ta ra rìa rồi… Đúng là quá trời quá đất mà !

Phù Đạo sơn nhân ra ngoài đứng rồi mới giật mình tỉnh người lại. Lão ra sức đập cửa mà phía sau vẫn cứ im ỉm, chẳng thấy động tĩnh gì.

Đứng trong đạo tràng, từ tít cạnh cửa chính phóng mắt nhìn xuống sẽ thấy được có cây rìu lớn đặt trên cái đài tròn bên dưới : Rỉ sét đỏ bầm đáng sợ loang loang lổ lổ, nhìn chẳng khác gì dấu máu Kiến Sầu từng thấy ngày hôm đó.

Niệm tình cũ ư ?

Còn tình cũ cái gì nữa chứ ?

Nếu thù hận mà tính là tình thì coi như còn có.

Kiến Sầu lững thững đi từng bước một xuống dưới. Nàng tới cạnh quỷ phủ, ngồi đại xuống rồi đặt tay lên thân rìu lạnh ngắt, họa tiết vạn quỷ bên dưới tưởng chừng như muốn há miệng ngoạm lấy các đầu ngón tay nàng.

Kiến Sầu chỉ cười khẩy một tiếng.

Dù vĩnh viễn bị đày xuống địa ngục thì đã sao ?

Dù tới xuất khiếu chắc chắn phải chết thì đã sao ?

Dù y thiên phú tuyệt đỉnh cũng chẳng hề gì !

Chỉ cần trong khoảng thời gian đó, bất cứ lúc nào có dịp vượt qua gã, nàng chắc chắn sẽ tới hỏi tội gã, giết gã !

Kiến Sầu khẽ dịch đầu ngón tay ra, để lộ họa tiết hoàn chỉnh bên dưới.

Đây là hình quỷ dữ đang ngửa đầu hết cỡ, dưới chân đạp một cái xác nữ, tay giơ cao đầu lâu kinh dị rợn người. Nó cười ha hả như điên, tựa hồ như chế nhạo người đời tự đày tự đọa, cười họ quá ngốc, quá khổ.

Quỷ phủ từng chém vạn quỷ nhưng không biết nó có thể chém tà ma trong lòng nàng không ?

Không.

Không thể.

Nàng cũng chẳng muốn.

Đây là quỷ phủ của nàng.

Cho dù tâm có tà ma, nàng cũng mặc.

Đao đã giương thì làm gì có chuyện dễ dàng bỏ xuống ?

Kiến Sầu nhìn cây rìu một hồi lầu rồi khẽ bật cười thành tiếng. Nàng lật quỷ phủ sang mặt bên kia, không nhìn tới con quỷ đang cười ha hả đó nữa.

Kiến Sầu bắt đầu bế quan lần thứ hai. Lần này lâu hơn lần trước nhiều.

Đạo ấn thà ít mà tinh chứ không quý số nhiều. Bởi vậy Kiến Sầu mới tập trung luyện đạo ấn khinh thân có tên “Bình Tung” để lúc giao chiến có thể bay nhảy linh hoạt nhẹ nhàng. Về đánh chưởng* thì nàng thực ra đã học qua rồi, thế nên mới chọn một bộ chỉ pháp* có cái tên mà nàng rất thích là “Hồng trần phá vọng” để học. Tuy nhiên dường như thi triển ra được tinh túy trong đó rất khó, nàng chỉ học được mỗi một thế “Nhập vọng” mà thôi.

* Các bạn xem truyện kiếm hiệp Kim Dung hay phim ảnh sẽ thấy chưởng là phát lực đánh nguyên bàn tay, còn chỉ pháp là chiêu thức vận nội lực vào đầu ngón tay, phóng khí sát thương địch thủ.

Vì vừa mới có quỷ phủ nên nàng chọn từ Tàng Kinh các ra một đạo ấn có thể nói là đo ni đóng giày, dành riêng cho tu sĩ lấy rìu làm vũ khí. Đạo ấn này có tên là “Khai sơn thập nhị phủ – Mười hai đường rìu mở núi”, chém một phát là ăn đứt đối phương.

Bộ chỉ pháp “Hồng trần phá vọng” dường như có chút liên quan đến cảm ngộ, Kiến Sầu không biết có phải do hồn phách mình khuyết thiếu hay không mà chẳng tiến xa được thêm, tuy nhiên đối với “Khai sơn thập nhị phủ” thì tình hình lại khác hẳn, đường rìu đơn giản thô bạo, hoàn toàn chuyên về sức mạnh mà thôi.

Dựa vào đó, chỉ cần Kiến Sầu đủ tu vi, ra chiêu hợp lý thì với đạo ấn có hai mươi bảy đạo tử kết cấu phức tạp này nàng sẽ tốn linh lực cực ít nhưng quỷ phủ đánh ra, sức lại có thể phát huy đến mức cao nhất. Trước chuyện hồn phách khuyết thiếu còn chưa biết rõ ràng tình hình cụ thể ra sao thì đây là đạo ấn không còn gì hợp hơn nữa.

Đối với nữ tu mà nói, lối đánh rặt về sức có lẽ sẽ rất sốc. Nàng chỉ cần mường tượng đến cảnh mình giáng rìu chém người ta, rồi lại nghĩ đến phản ứng của các vị sư đệ nhà mình thì biết là sẽ ấn tượng đến mức nào.

Nhưng…

Tất cả những cái đó đều không quan trọng.

Sau khi học xong đạo ấn, Kiến Sầu liền ra công hấp thu linh khí, củng cố “kinh mạch” trong người mình. Cái gọi là kinh mạch chẳng qua là đường ngang ngõ dọc linh khí vận hành mà thôi. Phù Đạo sơn nhân nói cơ thể nàng không có kinh mạch, nhưng nếu cứ để linh khí lưu thông theo lộ tuyến như vậy thì cũng sẽ chẳng có ảnh hưởng gì quá lớn.

Chính bản thân nàng cũng nghĩ rất thoáng. Nếu nhìn sự việc theo hướng tích cực thì trong tương lai, nếu có ai đó hiểm ác muốn hủy kinh mạch của nàng thì có phải là hố to một vố hay không ?

Trên bình đài trong đạo tràng, đấu bàn của Kiến Sầu lại hiện ra, xoay xoay.

Tổ khiếu mi tâm của nàng tựa như hóa thành một khoảng trời lấp la lấp lánh sao sáng. Điểm điểm lung linh lấm tấm như bụi theo nhịp hấp thu trong tổ khiếu cứ hết cuốn vào rồi lại chầm chậm phun ra.

Cảnh giới trúc cơ sơ sơ ban đầu chẳng mấy chốc đã vững căn bản ngay, hơn nữa còn mau chóng tích tụ, tăng lên bậc trung với tiến độ cực mau…

Đấu bàn cũng dần dần rộng ra với biên độ rất nhỏ.

Phù Đạo sơn nhân với Kiến Sầu đều có đấu bàn thiên phú một trượng. Lão bây giờ đã tu tới xuất khiếu thì đấu bàn chắc khoảng ba trượng. Mà theo như những gì Kiến Sầu đọc được trong ngọc giản, nếu lấy xuất khiếu làm giới hạn, cứ mỗi lần tròn một cảnh giới, đấu bàn của tu sĩ trước xuất khiếu sẽ rộng sang hai bên thêm một trượng.

Trong quá trình Kiến Sầu tu luyện, hấp thu linh khí, các đường khôn tuyến cái nào cái nấy đều dần dần trở nên chắc sáng như thực.

Đấu bàn cũng mỗi lúc mỗi lớn thêm từng tấc một.

Đến khi kết thúc đợt thổ nạp cuối cùng, bụi đã đóng thành một lớp mờ mờ trên nền đất quanh Kiến Sầu.

Nhìn lại thì đấu bàn đã lớn thành một trượng tư rồi.

Chỉ hấp thu linh khí thôi mà tu luyện cũng tiến mau thật.

Kiến Sầu chẳng biết nên khóc hay cười. Dù sao thì bây giờ có lẽ nàng đã qua bậc trung trong giai đoạn trúc cơ, ổn định chắc cảnh giới rồi.

Nàng đứng dậy, vươn vai duỗi lưng mấy cái. Tâm niệm trong lòng vừa động thì quỷ phủ dưới đất liền bay lên, đụng vào người nàng rồi tức thời biến mất.

– Hóa ra giấu đồ trong người là cảm giác như thế này…

Kiến Sầu đi đi lại lại,. Tuy quỷ phủ nằm trong mi tâm nhưng nàng chẳng thấy khó chịu gì, bất cứ lúc nào thích cũng có thể lấy ra được.

Kiến Sầu sờ sờ mà chẳng hiểu lý do tại sao, kế bèn lấy túi càn khôn cất vào tay áo rồi đi ra ngoài. Khi lại đứng trước cửa đạo tràng, nàng hít sâu một hơi, tự hỏi không biết bên ngoài bây giờ ra sao. Thế gian người ta hay nói kẻ sống nơi rừng rú chẳng biết tới năm dài tháng rộng, nhưng bây giờ rốt cục nàng cũng bắt đầu hiểu thế nào là “sống nơi rừng rú”.

– Két !

Kiến Sầu vận sức mở rộng cửa. Một trận gió lớn liền thổi thốc vào mặt, hơi ẩm trong đó lại nhiều nên đôi gò má nàng đều ướt hết cả.

Mưa sầm sập ập tới. Thác ào ào tuôn đổ. Xa kia hốt nhiên bỗng nổ sấm vang trời !

– Ầm !

Khắp nơi tứ bề trắng xóa những tuyết là tuyết. Chớp sáng thình lình lóe lên rạch ngang chân trời, xiên xiên rọi thấu đỉnh Linh Chiếu đang mờ trong mưa.

Dưới giếng Quy Hạc, nước giọt giọt thi nhau tõng tõng liên miên, bong bóng phập phồng nổi bềnh bồng cùng con ngỗng trắng đang đủng đỉnh bơi bơi, giang cánh phành phạch tắm mưa.

Cạnh giếng có mấy con hạc đứng yên đó, chẳng nhúc nhích lấy một mảy, tựa hồ như ngẩn ngơ, trố mắt nhìn kẻ chiếm mất sào huyệt của mình.

Trong tích tắc ấy, Kiến Sầu bỗng sững người.

Giếng Quy Hạc có hạc về ư ?

Lời Thẩm Cữu giới thiệu lúc nàng mới tới Nhai Sơn lại như văng vẳng bên tai.

Tháng tám hàng năm, hạc sẽ về lại giếng Quy Hạc, quanh quẩn nơi đây…

Nói như vậy, ít nhất đã qua gần một tháng rồi sao ?

Kiến Sầu ngoảnh đầu nhìn lại tấm biển gỗ cạnh cửa. Nàng đi tới khều hai chữ “Đạo tràng” xuống. Hào quang vừa lóe lên một cái thì lệnh bài chữ “Đạo” cũng nằm gọn trong lòng bàn tay. Đạo tràng đang mở rộng cửa liền biến mất, căn phòng nho nhỏ đã lâu không thấy rốt cục cũng hiện ra trước mắt Kiến Sầu.

Lúc đó, trước khi nàng bế quan, Phù Đạo sơn nhân đã đưa cho nàng lệnh bài chữ “Đạo” rồi. Thêm tấm này nữa thì dư, vẫn nên đem trả lại cho lão. Ngoài ra, dù luyện một hơi lên đến trúc cơ bậc trung xong, tuy không phải là đột phá lớn lao gì, nhưng ít ra được thế này cũng coi như thành công chút đỉnh, nhân dịp phải tranh thủ đi khoe thầy mới được.

Nghĩ xong Kiến Sầu liền định đi tìm Phù Sơn sơn nhân, nhưng nhìn Lý Ngoại kính vừa triệu ra trước mắt thì lại ngẩn người : Phù Đạo sơn nhân ở đâu ta ?

Nàng nhập môn bấy lâu vậy mà chẳng biết chút gì về chuyện này; nghĩ lại, thậm chí đến chỗ mấy sư đệ ở đâu cũng mù tịt.

Bên ngoài mưa gió trắng trời, nhìn phát chán.

Kiến Sầu nghĩ thôi chờ mưa tạnh rồi đi tìm lão cũng được, thế nào cũng sẽ có người biết chỗ, nhưng không ngờ, đúng ngay lúc này ――

Tự nhiên chợt bỗng có chớp sáng rạch ngang không trung !

Hơn nữa, lần này không phải nó xẹt ngang chân trời mà là đâm thẳng xuống giếng Quy Hạc !

Con ngỗng trắng to trong giếng giật mình, sợ đến nỗi giương cao cánh, cắm đầu xuống nước, hai cái chân nhổng lên hươ hươ đạp đạp trên không, trông rõ ra là tưởng mình sắp chết tới nơi.

Nhưng mấy con hạc tiên đầu đỏ đứng trước nó thì lại đủng đỉnh bước tới mấy bước, dáng vẻ như coi tia chớp chói lòa kia chẳng ra gì.

Kiến Sầu đang vốn lo lo, thấy cảnh đó thì không khỏi động tâm, bước chân khựng lại.

Tia chớp nọ đánh xuống giữa giếng Quy Hạc giống như bao tia chớp khác, chỉ thấy nhoáng lên một cái rồi biến đâu mất tăm mất tích. Có điều sau khi biến mất thì trên mặt giếng dập dềnh sóng nước lại hiện ra khúc sáng thanh mảnh cắm xuống, hình dáng như sấm chớp.

Kiến Sầu liền hiểu ngay. Tia chớp đó cũng giống giống như “phong tín”, nhưng lần này thì thuộc dạng “lôi tín”.

Giếng Quy Hạc ở Nhai Sơn tự động thu thập tất cả các tin tức gửi chung cho môn phái, hoặc cho người nhận còn chưa xác định rõ ràng, cứ để đó chờ ai có liên quan thì tới lấy.

Phong tín mà Kiến Sầu từng thấy lúc trước khá nhiều. Tất cả đều dài dài nhỏ nhỏ như lông trâu, còn cái có hình dáng như lằn chớp thế này thì nàng chưa thấy bao giờ.

Trong các loại tin tức gửi bằng chớp, mưa, gió, tuyết thì chớp là nhanh nhất, nhưng thật ra cũng nhanh chẳng được bao nhiêu, thậm chí người gửi tin phải tranh thủ từng tích tắc một để gửi thì đủ biết là dầu sôi lửa bỏng, chuyện gấp cực kỳ.

Vừa nghĩ tới đây Kiến Sầu liền thấy có bóng nam tử mặc đồ đen từ trong sảnh chấp sự đi ra. Nàng ngạc nhiên kêu “Ủa” một tiếng.

Người đó chính là Khúc Chính Phong chứ chẳng phải ai khác. 

Trước đây, nàng chỉ thấy hắn mặc đồ xám, nhìn chẳng bắt mắt gì lắm, bây giờ đổi sang màu đậm thế này, khí chất con người tự nhiên bỗng thanh nhã thoát tục hẳn lên.

Khúc Chính Phong đạp kiếm Hải Quang, đứng cạnh rìa đỉnh Linh Chiếu nhìn xuống. Hắn vừa giơ tay ra một cái thì tít từ mặt nước trong giếng giữa đỉnh, đoạn sáng truyền tin dáng như đường chớp vừa xuất hiện ban nãy liền phóng vù tới, nằm kẹp giữa hai đầu ngón tay hắn.

Tựa hồ như cảm thấy có người nhìn mình, khi bắt được lôi tín tới tay, Khúc Chính Phong liền liếc mắt nhìn lên vách đá. Nhưng chỉ thoắt sau Kiến Sầu lại thấy hắn trở vào sảnh chấp sự.

Nàng nghĩ nghĩ một chút rồi phóng Lý Ngoại kính trong tay ra, hào quang vàng rực như lưu ly chớp mắt bừng sáng rực rỡ.

Kiến Sầu đạp chân lên, lao ra màn mưa bay đi. Lý Ngoại kính tự động bật lên một quầng sáng bao quanh, khiến mưa gió bên ngoài đều không lọt được vào trong. Nàng cứ vậy ngự kính bay trong mưa, trên người tuyệt chẳng ướt chút nước. 

Sảnh chấp sự nằm ở rìa đỉnh Linh Chiếu, chỉ cách đài Bạt Kiếm mười mấy trượng về phía tay phải. Kiến Sầu đáp xuống dưới mái hiên, ngước mắt nhìn vào thì thấy phía ngoài là khu tiếp khách, bên trong bày biện bàn ghế ấm tách đầy đủ nhưng lại vắng tanh vắng ngắt, tịnh không bóng người. Trong khi đó, ở phía sau lại có tiếng người bàn cãi ầm ĩ vẳng lại, tựa hồ như đang cãi nhau chuyện gì. 

– Sao cái phái Tiễn Chúc đó dám nói chúng ta vậy hả ?

– Đồ thứ mặt trơ trán bóng !

– Nhai Sơn chúng ta dạo này hình như hiền quá thì phải ?

– Phù Đạo sư thúc tổ, Phù Đạo sư thúc tổ ? Chuyện bên Ngũ Di tông làm sao đây ?

– Sư thúc tổ, sư thúc tổ ?

– Cãi cãi cãi cãi, cãi cái chó gì ! Sơn nhân ta mắc công chuyện, các ngươi bàn bạc trước đi !

Có tiếng người oang oang gầm lên, làm Kiến Sầu đứng ở ngoài giật hết cả mình. Giọng này đích thị là của Phù Đạo sơn nhân chứ còn ai vào đây.

Nàng còn chưa kịp hoàn hồn thì từ bên trong liền có hai tu sĩ nối nhau đi ra. Một người là Phù Đạo sơn nhân còn người kia thì lại là Khúc Chính Phong mà nàng vừa thấy lúc nãy. Đoạn lôi tín hắn lấy đi trước đó giờ đang được Phù Đạo sơn nhân kẹp lấy giữa hai đầu ngón tay.

Vừa ra tới ngoài, lão đã sầm mặt nói : “Thiệt là… Cứ chọc tức sơn nhân ta đi, ta cho một người một kiếm đạp bằng cái phái Tiễn Chúc đó luôn !”

Phù Đạo sơn nhân ngẩng đầu lên thì thấy Kiến Sầu : “Ủa, nha đầu, con xuất quan rồi hả ?”

Khúc Chính Phong cũng ngẩng lên nhìn, thấy nàng liền mỉm cười : “Kiến Sầu đại sư tỷ !”

Kiến Sầu hơi lúng túng. Vốn nàng muốn hỏi Khúc Chính Phong xem làm sao tìm được sư phụ thì không ngờ lại gặp ngay đây. Nhìn dáng vẻ bọn họ thì hình như đang có chuyện quan trọng cần phải giải quyết hay sao đó. 

Kiến Sầu bèn chắp tay giãi bày : “Bái kiến sư tôn ! Chào Khúc sư đệ ! Đồ nhi vừa mới lên tới bậc trung trúc cơ. Hoàn thành xong là xuất quan ngay. Con nghĩ nên tới bái kiến sư phụ trước, vốn định tìm Khúc sư đệ hỏi xem thầy ở chỗ nào, không ngờ lại gặp luôn đây.”

– Ài !

Phù Đạo sơn nhân quay đầu lại liếc mắt nhìn vào sảnh chấp sự, bên trong tiếng tranh cãi ầm ĩ vẫn còn vọng ra không ngớt.

Lão thực chẳng thèm để ý tới bọn họ chút nào nữa, bèn đi thẳng ra ngoài, đứng trên bậc thềm dưới mái hiên cao cao nghe mưa sầm sập ầm trời một hồi, lúc bấy giờ mới coi như thoải mái hơn được một chút.

– Sư phụ ở chỗ này chịu hành xác đây. Đúng là tức muốn chết… Thập Cửu Châu bao nhiêu năm qua vậy mà dồn cục không biết bao nhiêu là việc… A không, lại còn thêm chuyện này nữa chứ hả ?

Nói xong, lão miết đầu ngón tay nghe “Bốp” một tiếng, đạo lôi tín trắng bạc liền nổ tung.

Bụi hào quang lấm tấm sáng ngời tự tụ lại, chữ chữ hàng hàng hiện ra. Phù Đạo sơn nhân liền tự tát mình một cái : “Ai biểu năm xưa có mắt như mù, lại đi nghe cái lão già dịch Hoành Hư bá láp bá xàm đó. Giờ ăn thịt lừa một vố cho đáng đời ! Đúng là tức chết mà…”

– Lại xảy ra chuyện gì vậy thầy ?

Khúc Chính Phong dường như thấy nhiều thành quen, thuận miệng lên tiếng hỏi.

Phù Đạo sơn nhân thực chỉ muốn chạy ào ra ngoài, trần mình lăn một vòng dưới mưa cho rồi. Lão thở dài đáp : “Bên Vọng Giang lâu gặp chút rắc rối, con đi giải quyết đi.”

Nói xong, Phù Đạo sơn nhân liền giơ tay chụp vào màn sáng đang còn lơ lửng chữ trước mặt. Chớp mắt toàn bộ lại rút thành một đạo lôi tín bạc bạc nho nhỏ. Coi như chẳng dính dáng gì tới mình nữa, lão cứ vậy chụp nó quăng sang Khúc Chính Phong đang đứng bên cạnh rồi nhấc chân dợm đi.

Thực đúng là tay bay vạ gió ! Khúc Chính Phong sững sờ : “Sư phụ…”

Phù Đạo sơn nhân liền quay lưng, rối rít xua xua tay : “Sư phụ biết lỗi, biết lồi rồi, sau này sẽ chừa cái tật làm biếng đi, chỉ làm biếng lần này nữa thôi. Con cũng đã là tu sĩ gần tròn nguyên anh, mấy cái chuyện nhỏ nhỏ này đâu làm khó con được. Tranh thủ dẫn con Kiến Sầu đi luôn đi, để nó ra ngoài cho biết mùi đời. Ờ quên nữa…”

Đang lảm nhà lảm nhảm liên thanh một tràng, chợt sực nhớ tới chuyện gì đó, lão liền nghểnh cổ gào vọng vào sảnh chấp sự : “Mập à, mập à ! Lão Thất… A không, lão Bát chứ ! Ra đây !”

Bên trong lục cục lạc cạc một hồi, sau đó Kiến Sầu liền nghe thấy tiếng chân vang lên rầm rập.

Vừa nghe thấy Phù Đạo sơn nhân kêu, Khương Hạ nhỏ nhỏ mập mập vội vội vàng vàng dậm hai cái cẳng cũn cỡn huỳnh huỵch chạy ra, tới đứng ngay trước mặt lão : “Sư phụ, rốt cục thầy cũng thả cho con về rồi phải không ?”

Cho mày về á ?

Nằm mơ đi !

Phù Đạo sơn nhân sờ sờ cổ, trông ra uể oải lơ đãng thấy rõ.

– Không phải thả về mà là tống đi ! Ra ngoài trui rèn một chuyến, đi cùng với Kiến Sầu đại sư tỷ, với Khúc Chính Phong nhị sư huynh đi ! Nếu ta nhớ không lầm thì con đã cuối kim đan rồi, nhưng dù thể chất đặc biệt, cũng không có bỏ bê như vậy được. Ra ngoài một chuyến đi, biết đâu về lại có đột phá cũng không chừng.

Khương Hạ liền chực eo sèo nhưng lão đã trừng mắt nhìn nó : “Im miệng !”

Lão Bát bất mãn phụng phịu.

Thấy cái thằng mập ngoan rồi, Phù Đạo sơn nhân bấy giờ mới nghiêm giọng nói với Khúc Chính Phong : “Mấy chuyện còn lại ta giao hết cho con. Sư phụ không biết nữa đâu đó.”

Nói xong, lão giơ tay vỗ vỗ vai Kiến Sầu.

Còn đối với Khương Hạ…

Cái tay lão lão cũng giơ giơ ra nhưng rồi lại rụt về thành vỗ vỗ cái mông mình.

Cái thằng mập Khương Hạ này không to con mà cũng chẳng lớn, thiệt tình…

Thôi, đi phứt cho rồi !

Vừa mới gặp mặt sư phụ, Kiến Sầu còn chưa nói được mấy câu thì đã bị cái “nhiệm vụ” quái quỷ gì đó văng trúng người, đầu óc bắt theo chẳng kịp.

– Sư phụ… chuyện này…

Khúc Chính Phong lắc đầu cười cười, xem vẻ thì hình như trong lòng cũng có chua chát.

– Sư phụ là chấp pháp trưởng lão của Tả Tam Thiên trung vực, đáng lý chuyện vặt đầy mình mới đúng, nhưng bây giờ mới dần dần nhận lấy trách nhiệm thì những người khác lại…

Nói tới đây Khúc Chính Phong chợt bỏ lửng, lảng ngay sang chuyện khác : “Tóm lại, lần này phải phiền đại sư tỷ, bát sư đệ đi biển tây với ta một chuyến thôi.”

Mới rồi hắn có tìm hiểu nguyên nhân sự việc lần này. Nó liên quan tới Vọng Giang lâu đóng ở chỗ sông Cửu Đầu đổ ra cửa biển. Bên họ gặp rắc rối về người nhưng chuyện thì lại xảy ra ở biển tây.

Kiến Sầu cầm Lý Ngoại kính trong tay, ngập ngừng hỏi lại : “Có cần tỷ giúp gì không ?”

Khúc Chính Phong liếc mắt nhìn chiếc Lý Ngoại kính của nàng, trầm ngâm hồi lâu rồi đáp : “Mong là không cần.”

Trong tích tắc đó, Kiến Sầu không khỏi bóp trán thở dài.

Nghe ý thì chắc may nhờ rủi chịu rồi !

Bị kèn cựa lâu ngày thành quen, nhóc mập Khương Hạ vọt miệng nói : “Con nít con nôi nhỏ nhỏ dễ thương như ta mà bọn họ còn đành đoạn bắt giải quyết chuyện vặt ở sảnh chấp sự đây. Giờ ép tỷ một chút thì nhằm nhò gì ?”

Giọng điệu có chút thẳng tuột, vừa hơi khinh khỉnh vừa hơi ngạo mạn.

Kiến Sầu nghe thấy nó dấm dẳng thì ngẩng lên chú mục nhìn nó.

Đây là nhóc mập Khương Hạ, đứng hàng thứ tám đó ư ?

Thấy Kiến Sầu nhìn mình, Khương Hạ hừm một tiếng, nói : “Thực ra ta không có ưa gì tỷ đâu ?”

– Sao vậy ?

Kiến Sầu nhớ mình còn chưa qua lại với nó bao giờ, sao tự nhiên nó lại ghét mình không biết nữa ?

Khương Hạ liếc mắt nhìn tránh đi : “Bọn họ chọc ta, nói ta sắp có tiểu sư muội… Rốt cục sư phụ dẫn tỷ về cho làm đại sư tỷ luôn… Híc híc ! Bất công quá đi à… Sao không để ta làm sư huynh chứ…”

Khuôn mặt còn đang cười cười của nàng thoắt cái hóa đá.

Kiến Sầu chớp chớp mắt, tự tâm chẳng tức giận gì mà chỉ thấy hơi ngạc nhiên.

Vậy cái vị Nhị sư huynh “vỏ trắng trong đen thui” có tiếng kia chắc cũng không hẳn là… 

Khúc Chính Phong thong thả đi sang, thanh Hải Quang cầm trong tay chống nhẹ xuống đất. Hắn cụp mắt nhìn xuống Khương Hạ bình thản hỏi : “Bát sư đệ, đệ vừa mới léo nhéo cái gì đó. Sư huynh ta đây nghe không rõ mấy.”

– …

Khương Hạ tức khắc cả người lông tơ dựng đứng. Còn chưa kịp thấy thái độ của Kiến Sầu trước mặt ra sao nó đã ré lên inh ỏi : “Đệ bậy quá, bậy quá, bậy quá ! Á á á á á á á á á ――”

Hào quang đỏ rực bỗng đâu phóng vút lên trời, chớp mắt đã chẳng thấy bóng dáng Khương Hạ đâu, nhưng giọng thì vẫn văng vẳng xuyên mưa vọng lại : “Thôi mau đi tây hải xử chuyện đi ! Ha ha, tới đó nhiều khi còn được đánh lộn nữa !”

Nó sợ chạy té khói rồi.

Kiến Sầu không khỏi nghiêng đầu nhìn nhìn Khúc Chính Phong.

Khúc Chính Phong thì vẫn tỉnh như không. Hắn phóng kiếm Hải Quang ra, nhảy lên nói : “Chúng ta cũng đi đi thôi.”

– Ừ !

Kiến Sầu ứng tiếng đáp lại rồi cũng bước lên Lý Ngoại kính.

Ngay khi ánh vàng lưu ly bừng lên, Khúc Chính Phong liền ngoái lại nhìn nàng.

Kiến Sầu hơi ngượng, phân trần : “Đánh nhau chém quỷ phủ tiện hơn… Bình thường thì xài Lý Ngoại kính cũng được.”

Còn về lý do á…

Khúc Chính Phong cười cười rồi hóa thành một đạo hào quang phóng đi. Kiến Sầu cũng bay theo cùng.

– Chuyến này đi biển tây là để giải quyết một chuyện nhức đầu. Kể ra thì người liên quan cũng có chút đầu dây mối nhợ với tỷ đó…

Đầu dây mối nhợ ư ?

Nhắc tới biển tây, Kiến Sầu thực không có ấn tượng sâu sắc gì mấy.

Ở đó, lần đầu tiên nàng đánh nhau với người ta, chịu thương tổn một chút, nhưng đồng thời cũng lại có dịp kết tình bằng hữu với những người bạn đầu tiên từ Thập Cửu Châu tới. Ngoài ra, trên đảo Đăng Thiên, nàng còn gặp được thiếu niên phù du, tự lấy tên mình là “Triêu Sinh”…

Kiến Sầu ngước mắt nhìn ra thiên không mà bỗng chợt có cảm giác như ngày đêm khó phân. Nàng lấy làm lạ cười, nghĩ chắc là tại mấy câu kinh tâm động phách vừa mới nghe thấy hồi nãy.

Kiến Sầu thôi không vẩn vơ nữa, liền hỏi : “Đầu dây mối nhợ thế nào ?”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *