4. Người về trong đêm

– Cô muốn về thật sao ?

Phù Đạo sơn nhân từ lúc bắt đầu leo dốc đã không nói tiếng nào, giờ thấy Kiến Sầu mặt mày thẫn thờ thì không khỏi lên tiếng hỏi.

Nàng còn chưa kịp đáp lão đã bồi thêm : “Cô đã bị hạ táng rồi. Nói không chừng người trong thôn ai cũng biết là cô đã chết. Bây giờ cô trở về, chắc chắn là làm cả đống người phải sợ chết khiếp lên đấy. Chết rồi sống lại, dưới con mắt người phàm mà nói là chuyện rất đáng sợ. Coi chừng bọn họ bắt lại, đem trói vô cột thiêu luôn đó !”

Cũng không phải không có khả năng này.

Kiến Sầu ngoảnh lại nhìn Phù Đạo sơn nhân đáp : “Sơn nhân sợ cháu bị thiêu chết sao ?”

– Tầm bậy ! Đám đàn bà con gái các cô chỉ được cái mèo khen mèo dài đuôi !

Phù Đạo sơn nhân hừ lạnh : “Sơn nhân ta chẳng qua là sợ công đức mình khó khăn lắm mới kiếm được thành xôi hỏng bỏng không hết. Cô mà bị thiêu chết thì hóa ra ta cứu cô uổng công hả ?”

Kiến Sầu nhịn không nổi liền bật cười : “Vậy ra ông vẫn là sợ cháu bị thiêu chết đúng không ?”

Phù Đạo sơn nhân trợn tròn mắt, một lần nữa thiếu điều muốn chết nghẹn : “Sơn nhân ta chẳng thèm cãi với đám phàm phu tục tử các ngươi ! Vậy mà hồi nãy còn nói không vong ơn phụ nghĩa sao ? Thấy sơn nhân ta tới đây có mấy trăm năm nên ăn hiếp có phải không ?”

Kiến Sầu kinh ngạc : “Tới mấy trăm năm ư ?”

Phù Đạo sơn nhân xua xua tay như xua ruồi, tựa hồ muốn gạt Kiến Sầu sang một bên : “Chuyện của người lớn, nhóc con như cô đừng có xía vào.”

Mấy tiếng “mấy trăm năm” đó nghe cũng thú vị.

Kiến Sầu tuy tò mò nhưng cũng không gặng hỏi đến cùng.

Ông lão Phù Đạo sơn nhân này ấy mà, mồm miệng bô bô, người ngợm bẩn bẩn, trông ra còn có vẻ trọc khí thô tục khó tả nhưng bụng dạ vậy mà cũng không tệ lắm.

Kiến Sầu hoàn toàn không thấy ghét lão.

Nàng lại nhấc chân, nhắm hướng đường cái ở phía ngoài đi tiếp.

Phù Đạo sơn nhân liền cằn nhằn ỏm tỏi : “Ài, đúng là can ngăn cho đã rồi cũng như nước đổ lá khoai, có về cũng đâu có cái gì tốt lành chứ. Lỡ có người khác ở đó thì làm sao ? Lỡ như nhà cô không còn nữa thì sao ? Lỡ chồng cô vẫn còn ở đó thì sao ? Lại lỡ như cô nhìn thấy hắn ôm ôm ấp ấp ai khác thì sao hả ?”

– …

Kiến Sầu chợt dừng chân, im lặng một hồi, kế liền ngước mắt nhìn lão : “Nếu đúng vậy, cháu sẽ giết hắn.”

Giết hắn ?

Ăn nói thực dứt khoát thẳng thắn.

Phù Đạo sơn nhân thực không ngờ lời lẽ như vậy mà lại có thể thốt ra từ chính miệng Kiến Sầu. Đây chẳng qua chỉ là một nữ tử yếu đuối, làm sao có thể so sánh được với đàn ông đàn ang người ta chứ ?

Nhưng…

Nghe sao mà sướng cái lỗ tai quá vậy không biết !

Lúc này Kiến Sầu đã lại đi tiếp ra ngoài đường.

Phù Đạo sơn nhân trân mắt nhìn bóng lưng gầy guộc của Kiến Sầu mà hai mắt không khỏi lấp lánh sáng. Cái ý nghĩ vừa mới nhoáng lên trong đầu lão ban nãy liền lại bắt đầu rục rịch nhỏm dậy. 

Thực ra lão là một người rất trọng chữ duyên.

Tình cờ gặp được Kiến Sầu, đó chẳng phải là cái duyên ư ?

Lão cứ đứng yên tại chỗ nghĩ ngợi thật lâu, mãi đến khi giật mình tỉnh thần lại thì trước mắt đã chẳng còn thấy bóng dáng Kiến Sầu đâu nữa.

– Đâu rồi ?

Lão sững người, kế đó nhìn quanh tứ phía thì thấy Kiến Sầu đã đi xa thật xa tự đời nào.

– Cô đi mau thế làm cái gì ? Mới sống lại đã bay nhảy lung tung, không sợ lại lăn ra chết nữa sao ? Đúng là tức chết sơn nhân, tức chết sơn nhân ta mà ! Ài, chờ… chờ ta với !

Miệng la bai bải như vậy nhưng bước chân của Phù Đạo sơn nhân trông lại không thấy nhanh. Tuy nhiên lão vừa sải bước một cái thì chớp mắt đã tới ngay bên cạnh Kiến Sầu. 

– Thiệt là chẳng biết thương cho lão già này gì hết ! 

Mấy cái mánh vặt của vị sơn nhân này Kiến Sầu đã từng lãnh giáo qua, nhưng tự nhiên thấy lão bước có một bước mà đã tới ngay bên cạnh, nàng cũng không khỏi phải tròn mắt nhìn.

Phù Đạo sơn nhân đắc ý nhướng mày : “Mở mắt chưa ? Đây gọi là “rút lại thành tấc” !

Hình như là tên thuật pháp thì phải ?

Phép tiên Tạ Bất Thần ao ước đây sao ?

Dù ngạc nhiên, thậm chí còn có thể nói là thán phục, nhưng Kiến vẫn nén lòng, chỉ đáp : “Trông hình như lợi hại lắm !”

Phù Đạo sơn nhân liền phổng mũi đắc ý : “Chứ còn sao nữa !”

Kiến Sầu cười cười không nói, kế lại rảo bước đi tiếp.

Bóng dáng thôn nhỏ phía trước bây giờ đã rõ đường rõ nét.

Bọn họ đứng trên núi nhìn xuống thung lũng.

Trời nhập nhoạng tối, sắc đêm mờ mờ dần dần buông xuống vạn vật.

Trong thôn, đèn hết ngọn này đến ngọn khác thi nhau thắp sáng, nhà nhà hộ hộ cửa sổ bừng lên ấm áp, nhìn kỹ còn thấy được cả bóng người thấp thoáng bên trong. Gió đêm thoảng qua, phảng phất bay theo mùi khói bếp.

Phù Đạo sơn nhân nghe mùi hít lấy hít để : “Ái chà, nhà nào đang quay heo sữa thế không biết ! Lại còn có gà rừng nữa ! Thơm quá, thơm quá, thơm quá !”

Gần quê lòng càng sợ*.

* Nguyên văn “Cận hương tình canh khiếp” – câu trích trong bài thơ “Độ Hán giang” của Lý Tần (818 – 876)

Nhưng đứng ở trên cao này, trong phút chốc nhìn thấy thôn làng bên dưới, Kiến Sầu lại thấy lồng ngực mình phập phồng xúc động. Chỗ bị kiếm đâm dường như lại bắt đầu đau đau.

Kiến Sầu sốt ruột đến gần như không thể chờ được nữa, chỉ muốn về xem xem chỗ đó bây giờ rốt cục ra sao.

Nàng men theo đường núi đi xuống một mạch.

Nhìn thì gần nhưng đến khi Kiến Sầu tới được cửa thôn thì đêm đã khuya lơ khuya khoắt, trăng nghiêng cao cao giữa trời.

Phù Đạo sơn nhân vẫn lơn tơn đi cạnh Kiến Sầu, hai mắt căng nhìn tứ phía tựa hồ như tìm xem có cái gì để ăn hay không.

Nhà của nàng ở phía đông thôn, gần như phải đi băng qua hết cả thôn mới tới được.

Đường trong thôn có chỗ nhỏ hẹp, có chỗ rộng rãi, sát bên lề chất đống củi đốt dùng để nấu cơm nấu nước của dân trong thôn. Ngay chính giữa thôn có một cây cổ thụ to thật to, ngày mùa hè chính là mùa cây xanh lá sum suê nhất, vừa ngẩng đầu lên là có thể thấy được hàng hàng lụa đỏ cầu phúc buông rũ trước mặt. Càng đi tới phía đông thôn, nhà cửa càng thưa thớt, giữa đêm đen chỉ thấy lác đác có vài ba ngọn đèn. 

Kiến Sầu lững thững đi tới, tuy bước rất nhẹ nhưng mấy con chó nuôi trong nhà người ta cũng nghe ra.

– Gâu gâu…

Tiếng chó sủa dội lên trong đêm.

Tiếp theo là một tràng lục cục lạc cạc giống như có người thức dậy, sau liền hỏi : “Ai đó ?”

Kiến Sầu dừng chân quay đầu nhìn.

Cánh cửa tre của nhà bên cạnh mở ra kêu cái “két”. Một nông phụ mặt tròn thò đầu ra khỏi cửa, nhìn ra thì thấy Kiến Sầu ở trên đường nên có hơi ngạc nhiên : “Là nương tử Tạ gia đó hả, sao về nhanh vậy kìa ? Hôm kia* không phải Tạ tú tài đã dắt cô lên thành hưởng phước rồi sao ?”

Chi tiết này nhỏ thôi, nhưng bạn để ý thì biết Kiến Sầu chết được ba ngày mới được cứu sống, ảnh hưởng thế nào các bạn sẽ biết trong các chương về sau.

Lên thành hưởng phước ?

Hôm kia ?

Kiến Sầu giật mình, chớp mắt liền hiểu ra.

Xem ra người trong thôn hoàn toàn không biết nàng đã chết, chắc Tạ Bất Thần đã nói với người ta rằng y dẫn nàng vào thành sống.

Nàng cười buồn, nhã nhặn đáp lại nông phụ : “Cám ơn thím Trương quan tâm, tại quên chút đồ nên mới về nhà lấy.” 

– À, hèn chi !

Thím Trương cũng không nghi ngờ gì. Bà biết cặp vợ chồng son này phu thê tình thâm, thân phận hơn nữa càng chẳng phải thường, cậu Tạ Bất Thần kia sau này chắc chắn sẽ làm quan thôi.  

Bà cười hồn hậu, niềm nở nói : “Cô cậu vào thành sống, lâu lâu nhớ về chơi, có gì ngon ngàn vạn lần đừng có quên chúng tôi đó.”

– Dạ !

Kiến Sầu ứng tiếng đáp lời, nhưng nhìn thì nhận ra mắt thím Trương từ đầu đến cuối đều nhắm vào mình, dường như hoàn toàn không có vẻ gì là thấy Phù Đạo sơn nhân đang ở ngay bên cạnh nàng.

Nàng lấy làm lạ.

Phù Đạo sơn nhân thì đắc ý nhướng nhướng mày, không nói tiếng nào.

Thím Trương vô tư, nửa điểm bất thường cũng không phát hiện ra, đêm tối nên cũng chẳng nhìn thấy áo Kiến Sầu dính máu. Bà chỉ hối nàng, nói : “Cần thứ gì thì đi lấy mau đi. Đêm hôm khuya khoắt ta cứ tưởng là ai. Nhớ thường xuyên về chơi nghe !”

– Dạ !

Kiến Sầu vẫn đáp hệt như trước.

Thím Trương lúc đó mới thụt người vào trong, quay lưng đóng cửa lại.

Chó cũng không sủa nữa, đêm lại yên tĩnh trở lại.

Kiến Sầu đứng đó thật lâu rồi mới đi tiếp về phía trước.

Trước mặt là nhà nàng rồi, một gian tiểu viện, bên trong tối thui, chẳng có lấy một ngọn đèn.

Phù Đạo sơn nhân chống cây gậy trúc xuống đất nhưng một chút động tĩnh cũng không nghe thấy : “Xem ra mọi người đều không biết cô chết. Đây là nhà cô sao ?”

Kiến Sầu đứng lại gật gật đầu.

Trước mặt nàng là một gian tiểu viện thôn quê, chung quanh dựng rào gỗ; cửa sân quay về hướng nam, cũng là ghép gỗ mà thành; mái lợp cỏ tranh che mưa.

Bây giờ, trên hai cánh cửa nhà vậy mà lại móc một cái khóa đồng nhỏ.

Cửa khóa.

Ký ức vô biên lại một lần nữa thoáng qua trong trí Kiến Sầu.

Nàng đi tới đứng trước cửa, nhẹ nhàng kiễng chân lên, thò tay sờ sờ phía sau khung cửa. 

Đầu ngón tay nàng liền đụng phải một vật lạnh ngắt.

Kiến Sầu lấy ra, xòe tay bỏ vào. Quả nhiên nó là cái chìa thóa.

Tạ Bất Thần dù nói dối là bỏ đi, nhưng chìa thóa cũng vẫn để lại đó như trước…

Kiến Sầu mở to mắt nhìn, chỉ thấy trong lòng chua chát tràn đầy, thiếu chút nữa thì chịu không nổi, muốn bật khóc tới nơi.

Lúc nhìn thấy cửa sân bị khóa, nàng đã biết Tạ Bất Thần không có ở nhà. Lúc lấy chìa khóa ra, nàng cũng có thể dám chắc rằng tình nghĩa năm xưa thảy đều không giả.

“Kiếp này ta phụ nàng. Nếu tam giới lục đạo có luân hồi thì kiếp sau hãy cứ tới lấy mạng ta.”

Kiến Sầu cũng thực muốn tìm y lấy mạng.

Vừa nghĩ nàng vừa ghìm dòng lệ ầng ậng xuống sâu khóe mắt, tra chìa khóa vào ổ, đẩy cửa ra.

– Két ! Két…

Tiếng cửa rít lên nho nhỏ.

Cửa mở.

Sân nhà gọn gàng sạch sẽ, gần như không thấy có cỏ dại. Liếp quây dựng ở cạnh tường phía tây, bên trong vốn có một bầy ngỗng trắng to nhưng không biết tại sao bây giờ chỉ còn lại có một con đang rúc vào góc mà ngủ. Trước mặt là căn nhà ba gian, cửa không khóa, thấy chỉ khép hờ hờ. Cạnh cột cửa vẫn còn dựng cây dù giấy dầu xanh mà Tạ Bất Thần đã cầm che ngày hôm đó. 

Kiến Sầu tiến vào trong.

Phù Đạo sơn nhân quay ngang ngó dọc đi theo, thấy nhà cửa sơ sài thì không khỏi chậc chậc lưỡi ta thán : “Cái nhà của cô cũng thật nát, vậy mà còn đòi về làm gì ? Dù sao sơn nhân ta đã cứu cô một mạng rồi, ài, ta coi, thôi chi bằng cô bái ta làm thầy luôn đi. Sơn nhân dẫn cô đi chân trời góc bể, nhiều khi sau này còn gặp lại hắn ở sáu đạo mười chín châu cũng không chừng ? Sao hả ? Chỉ cần cô đồng ý…”

Đang thao thao bất tuyệt nửa chừng, Phù Đạo sơn nhân chợt khựng chân đứng lại. Lúc đi ngang qua vòng liếp quây nuôi ngỗng, lão liếc mắt ngó thấy con ngỗng trắng to mập mạp đang rúc vào trong một góc mà ngủ.

Hai con mắt lão liền sáng rỡ lên.

Con ngỗng đã quá ta !

Lông nó bóng mượt, cái thân chần vần ú nu, nếu vặt lông đem nấu thì được đúng một nồi ngon lành nha ! 

Phù Đạo sơn nhân không khỏi nuốt nuốt nước miếng. Lão đi tới chỗ liếp quây, xoạc chân bước thẳng vào, cùng lúc còn không quên nói với lại : “Sao hả, chỉ cần cô để con ngỗng to này đi theo sơn nhân ta, mấy cái lễ vật bái sư gì gì đó ta cũng miễn !”

Kiến Sầu đi thẳng một mạch tới cửa, không đáp lời lão.

Phù Đạo sơn nhân cũng chẳng lấy làm phiên, thời này khắc này trong mắt lão chỉ có mỗi con ngỗng trắng mà thôi.

Lão đi tới kế cạnh rồi ngồi xổm xuống, cẩn thận thò tay ra vuốt ve đầu nó như vuốt ve đầu của một đứa trẻ ngoan.

– Ngỗng mập quá ta…

Bây giờ Kiến Sầu đã sắp vào tới cửa nên cũng chẳng để ý Phù Đạo sơn nhân làm gì ở phía sau.

Nàng lại mở cửa. Đập thẳng vào mắt là bóng tối đen thui.

Dựa theo trí nhớ, nàng sờ thấy đồ đánh lửa để trên bệ cửa sổ. Thổi nhẹ một cái, một ngọn lửa nho nhỏ liền bùng lên, chiếu sáng đồ đạc đơn sơ trong nhà : Ba cái ghế, một cái bàn vuông, trên có cây đèn tối om, quần áo vẫn xếp gọn để đó, lại còn có cả đồ còn may chưa xong…

Kiến Sầu chỉ thấy hai chân như đổ chì, nặng trịch khó đi.

Nàng tới trước bàn, kê đồ đánh lửa sát cây đèn, thắp nó lên rồi dập tắt đồ đánh lửa.

Đốm lửa nhỏ bập bùng cháy lên. Dưới ngọn đèn, ánh sáng tù mù vàng vọt chập chờn hắt bóng tranh tối tranh sáng lên khuôn mặt Kiến Sầu.

Kiến Sầu ngồi xuống ghế nhìn quanh căn nhà trơ trọi, trên mặt tường đối diện giờ đã trống hươ trống hoác.

Không còn thanh kiếm đó nữa rồi.

Lòng dạ nàng cũng trống không.

Nàng đưa tay sờ sờ quần áo để trên bàn. Cái nào cũng là đồ của Tạ Bất Thần cả. Đường kim mũi chỉ trên bộ nào bộ nấy đều tinh xảo dị thường. Trong cái rổ đựng kim chỉ còn dựng nghiêng cây kéo thường ngày nàng vẫn lấy để cắt vải vá.

Kiến Sầu muốn thò tay ra cầm lên.

Nhưng khi nàng lấy cây kéo ra thì trong rổ kim chỉ phía dưới liền lộ ra một cái trống lắc nho nhỏ, bên hông đính dây đỏ có buộc một cái khóa bạc con, trên khắc chữ “Tạ”.

Trong chớp mắt đó, tay Kiến Sầu liền run lên.

Cái trống lắc này là khi nàng biết mình có thai đã mua của một người bán hàng rong. Còn khóa là đồ của Tạ Bất Thần lúc nhỏ. Chàng nói khi nào bọn họ có con thì sẽ truyền lại cái khóa nho nhỏ này cho nó. Bởi vậy hôm đó nàng mới tìm dây đỏ xâu cái khóa vào.

Bây giờ lại thấy lại tất cả những thứ này…

Cây kéo quấn vải đỏ trượt từ tay Kiến Sầu xuống lại rổ kim chỉ.

Nhất thời, nàng chỉ thấy lòng đau như cắt. 

Kiến Sầu chầm chậm rụt tay về, rồi bất giác đưa tay xoa xoa cái bụng bằng phẳng của mình.

Thình lình nàng quay ngoắt đầu lại nhìn ra trời đêm đen kịt ngoài cửa, lớn giọng kêu lên : “Sơn nhân ! Sơn nhân !”

Trong sân, Phù Đạo sơn nhân đang giơ hai tay chụp cái cần cổ của con ngỗng trắng to.

Bị phá bất chợt, con ngỗng giật mình sợ hãi. Nó cuống cuồng kêu la, đã vậy còn phành phạch đập đập đập liên hồi cặp cánh đầy đặn. Tức thời lông ngỗng bay tứ tung, bùn sình tung tóe, lộn xộn đến nỗi Phù Đạo sơn nhân cả người cũng tả tơi te tua theo.

Con ngỗng trắng to ngu ngốc chết tiệt vậy mà lại dám giẫy giụa với ta !

Phù Đạo sơn nhân bực bội phát điên, thèm thuồng nhìn mà nuốt nuốt nước miếng, đang tính cho con ngỗng trắng này một vố thì thình lình chợt nghe thấy Kiến Sầu kêu to ở trong nhà. Lão hết hồn giật nảy người, rụt ngay tay lại, giơ lên cao, nói vọng vào với Kiến Sầu trong nhà : “Ta không có ăn trộm ngỗng đâu !”

Kiến Sầu đã đứng dậy, bước chân thất tha thất thểu, ngọn đèn phía sau lưng chiếu không tới bóng dáng nàng.

Sắc mặt nàng ra sao Phù Đạo sơn nhân cũng càng nhìn chẳng rõ.

– Sơn nhân, cháu… thực ra cháu có thai. Không biết… ông có thể bắt mạch cho cháu được không ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *