18. Triêu Sinh

Kiến Sầu hạ mắt, mục quang buông xuống gậy trúc chín đốt. Nàng để ý thấy trên có đậu một con phù du xíu xiu nhưng cũng không để tâm gì lắm.

“Sinh linh trong thiên hạ… Mạng ai lại chẳng là mạng ?”

Ý nghĩ ấy tự nhiên bật ra, khiến Kiến Sầu chợt ngẩn người.

Trên hòn đảo cực lớn này chỉ có mỗi Kiến Sầu, mình nàng thân đơn bóng chiếc.

Sao trên trời bắt đầu thưa dần đi. Trăng cũng ẩn sau tầng tầng mây phủ, chỉ còn thấy một bóng sáng mờ mờ.

Sóng biển vỗ bờ vẫn ầm ì không dứt, chim biển thi thoảng vọng tiếng đó đây.

Chỉ có Kiến Sầu là bỗng nhiên tâm tình thả lỏng.

Mười mấy ngày gần đây xảy ra nhiều chuyện quá.

Cộng dồn lại thì những chuyện này dường như còn nhiều hơn cả những gì đã trải qua trong cuộc đời hơn hai mươi năm của nàng khi trước : Nào là bị trượng phu phản bội, nào là bị mất đứa con trong bụng, kế lại bái Phù Đạo sơn nhân làm thầy, bỏ sơn thôn, một đường tiến mãi tới trước cho đến nay, thậm chí còn bắt đầu tu luyện, cho dù thành quả cực kỳ bé nhỏ nhưng ấy vậy mà cũng có được tu vi với bản lãnh không giống như người bình thường.

Hơn thế nữa, nàng còn kết thù kết oán với kẻ khác, gặp gỡ nhiều người thú vị, lại cũng kết giao được kha khá… 

Bạn bè.

Nếu nhìn lại bằng con mắt của mười mấy ngày trước, tất cả những chuyện trên thật đúng là quá ư lạ lùng. Thế nhưng hiện tại, hết thảy lại thật sự xảy ra với chính ngay bản thân nàng. Đất trời rộng lớn như vậy, nàng của thời quá khứ tuyệt không bao giờ có thể tưởng tượng ra nổi.

Chính như ngay thời khắc này đây, nàng đang ngồi cạnh đầm đá trên một hòn đảo cô lẻ, bên cạnh là biển khơi, phóng mắt nhìn quanh, tứ bề vũ trụ mênh mông vô tận.

Biển cả với đất liền, là tất cả hay sao ?

Không hẳn vậy.

Kiến Sầu ngước mắt ngắm nhìn sao trời chầm chậm dịch chuyển trên cao, tâm trạng cũng dần dần lắng lại, thanh thản nhẹ nhàng hơn.

Nàng nhớ tới Trương Toại trầm tính đáng tin; nhớ Chu Cuồng chất phác ngang tàng, nhớ Phù Đạo sơn nhân kỳ lạ đến phi thường nhưng cơ trí mạnh mẽ, nhớ Hứa Lam Nhi nhất thởi nổi ác niệm mà ra tay với Nhiếp Tiểu Vãn… Thậm chí nàng còn nhớ tới cả Tạ Bất Thần vì tầm tiên vấn đạo mà giết mình.

Tầm tiên vấn đạo ư ?

Vậy đó không phải là tiên mà nàng muốn tìm, là đạo mà nàng muốn hiểu.

Nếu tiên có nghĩa là phải tiệt trừ ham muốn, buông bỏ cái tôi, vô tình vô nghĩa, vậy cái mà nàng muốn tìm hiểu đó không phải là tiên, cũng chẳng phải đạo.

Kiến Sầu nhớ tới sách đạo với kinh phật mà mình đã chép cho bà Tạ lâu thật lâu trước kia, cứ tưởng thời gian thấm thoát thoi đưa, xưa cũ quá rồi nên hẳn phải quên sạch hết, thế nhưng câu từ vùi sâu dưới miền ký ức lại chợt hiện về tất cả :

– Có thứ hỗn độn mà thành, sinh trước trời đất, tĩnh lặng hư vô ! Nó không dựa vào bất kỳ sức mạnh hay năng lượng bên ngoài nào mà độc lập, tuần hoàn vận hành mãi mãi, không bao giờ suy kiệt, bởi vậy có thể xem như là nguồn cội của thiên địa vạn vật. Ta không biết tên nó, tạm gọi nó là “đạo”, tạm miêu tả nó là “đại”. “Đại” chỉ sự vận hành biến hóa không ngừng của nó, phát triển đến một mức độ nhất định thì ly tán, ly tán thì sẽ xa, xa rồi sẽ tụ, tụ rồi sẽ phát triển theo chiều hướng ngược lại. Đạo là đại, trời là đại, đất là đại, vương là đại. Vương là một phần trong bốn cái đại trong vũ trụ. Con người phải theo luật vận hành của trời đất để định hướng cho hành vi sinh hoạt của mình, đất vận hành phải tuân theo quy tắc của trời, trời tuân theo quy tắc của đạo, đạo tuân theo quy tắc tự nhiên*…

* Đây là một đoạn trong “Đạo đức kinh”, chương thứ 25 của Lão Tử. Cổ văn “chi hồ giả dã” súc tích ngắn ngọn, rất khó hiểu. Để tiện cho các bạn đọc thông, phần trên thật ra là phần diễn nghĩa Sweet tra trên mạng tiếng Trung về. Đây là thời điểm phù du nghe đạo rồi biến thành người, tên Triêu Sinh, một trong ba nam chính của bộ truyện. Trong câu đầu tiên của bài kinh có ý nói về nguồn gốc của Triêu Sinh. Triêu Sinh chính là thần chích, sinh ra từ trong hỗn độn, có trước khi vũ trụ hình thành. Dĩ nhiên đây là tiểu thuyết, tác giả mượn khúc này của Lão Tử để sáng tạo, giải thích nguồn gốc hình thành của thần chích trong truyện của mình.

Nói thêm với bạn đọc là do trước bộ truyện bị drop, mình dịch tiếp từ chương 215 trở đi, nay hoàn thành rồi thì quay lại làm lại những chương đầu. Thường vì sợ làm loãng mạch đọc của độc giả nên mình cố gắng chú thích ngắn gọn, điển tích điển cố quá dài sẽ để ở cuối chương. Lần này đặc biệt dài dòng, spoil chút đỉnh vì ý nghĩa của việc Triêu Sinh nghe đạo sẽ được nhắc tới nhiều lần về sau.

Đạo, cái gì mới là đạo đây ?

Nếu chiếu theo những gì viết trong sách thì : “Đạo khả đạo, phi thường đạo*.”

* Trích từ Đạo đức kinh của Lão Tử. Diễn nghĩa : Đạo mà có thể dùng ngôn từ để giải thích thì không phải là đạo lý vĩnh hằng nữa.

Kiến Sầu vừa nghiền ngẫm vừa khe khẽ đọc.

Con phù du đậu trên gậy trúc chín đốt đập đập cánh bay lên, rồi lại đáp xuống chỗ cũ.

Kiến Sầu sau đó lại nghĩ tới nguồn gốc cái tên Tạ Bất Thần : “Đạo thường không tên, mộc mạc. Tuy nó nhỏ nhưng trong thiên hạ không ai có thể bắt nó thần phục mình được*.”

* Trích từ Đạo đức kinh của Lão Tử.

Bởi vậy trong “Tạ Bất Thần” thì Tạ là họ, tên là Bất Thần, tự là Vô Danh.

Kiến Sầu nhất thời hơi bối rối, không biết tên của hắn rốt cục có nghĩa thế nào : Là đạo khiến thiên hạ không dám không thần phục, hay là lấy “bất tuân bất phục” làm đạo đây ?

Nghĩ đến đó, Kiến Sầu bất giác bật cười.

Tâm trạng nàng thế nhưng lại rất thanh thản.

Trong tay áo luôn có chiếc khóa bạc mà nàng đã cất vào trước đó rất lâu. Lúc Kiến Sầu lấy nó ra, màu dây vẫn đỏ đến chói mắt.

Đầu ngón tay ấm áp của nàng sờ sờ từng chút một theo vân dây. Chữ “Tạ” trên cái khóa vẫn làm nàng đau lòng như cắt.

Thù hận.

Chỉ vào lúc vắng vẻ tịch mịch như thế này, nàng mới có thể nghe thấy được tiếng hận đâm rễ, sinh trưởng từ tận sâu trong tâm khảm. Nó phá đất tung lên, xông thẳng tầng mây, khiến cả đất trời thiên địa phải méo mó vặn vẹo theo.

Gió đêm khẽ lướt qua mặt nàng.

Kiến Sầu cầm chiếc khóa bạc trong tay mà như thấy hiển hiện trước mắt hàng hàng dải lụa đỏ phất phới dưới tán cổ thụ giữa thôn. Chỉ mới mười ngày trôi qua, nghĩ lại từng chuyện một thật tưởng như đã qua cả một đời.

Nàng chầm chậm hít vào thật sâu một hơi không khí tanh mặn mùi biển trên đảo rồi nhẹ nhàng thở ra.

Kiến Sầu cuối cùng cũng bình tâm hẳn.

Các hình vẽ đã vẽ ban ngày trên đảo Trảm Nghiệp tự nhiên chợt hiện về trong trí. Nàng bấy giờ mới nhớ ra mình còn có chuyện phải làm, bởi vậy bèn giở cuốn sách nhỏ vẫn mang trong người ra, trong mấy trang cuối cùng đó có chỉ cách sử dụng linh thạch. 

Kiến Sầu xếp bằng ngồi xuống, cầm chặt linh thạch Trương Thoại cho trong tay rồi nhắm mắt lại, bắt chước học theo sách.

Viên linh thạch trong tay của Kiến Sầu ánh lên các luồng sáng trắng mờ mờ, mắt thường cũng có thể thấy được rất rõ. Thông qua kinh mạch trong lòng bàn tay, các luồng sáng truyền lên cánh tay, sau đó thì đi một vòng qua khắp các khiếu huyệt trong cơ thể.

Cùng lúc, đấu bàn dưới thân Kiến Sầu cũng bắt đầu xoay tròn, hơn nữa còn như ẩn như hiện.

Cũng không biết có phải do vì ban ngày Kiến Sầu dốc sức đỡ đòn, tiêu hao quá lớn mà hai đường tuyến khôn vốn đã được thắp sáng trên đấu bàn bây giờ lại hơi tối đi. Tuy nhiên, khi có nguồn linh lực mới đổ vào, chúng liền dần dần sáng lên lại.

Linh khí chảy đến chỗ nào trong người Kiến Sầu thì trên đấu bàn sẽ có một chỗ sáng hơn rất nhiều.

Đấu bàn với khiếu huyệt kinh mạch trong cơ thể tu sĩ có liên quan mật thiết với nhau. Cứ mỗi một chỗ hiện diện “đạo tử” là chỗ đó ứng với một khiếu huyệt, mỗi đường “tuyến khôn” cũng ứng với một đường kinh mạch riêng.

Thời gian dần trôi, viên linh thạch hạ phẩm cũng mất dần linh khí, trở nên trắng xám. Đến khi luồng linh khí cuối cùng bị hút hết, nó liền nổ bốp, rã thành bột mịn, chảy chảy qua các kẽ ngón tay xiết chặt của nàng. 

Kiến Sầu mở choàng mắt.

Lúc này, nàng thấy được đấu bàn xoay tròn rất rõ, trên đó các đường tuyến khôn có đường tối đường sáng, có các vị trí trống “đạo tử” giờ vẫn còn đang mờ tối.

Kiến Sầu nghiêng người về phía trước, giơ đầu ngón tay vẽ vẽ lên lớp cát mỏng trên mặt đất. Nếu có ai là tu sĩ đại năng có mặt ở đây thì chắc sẽ phải giật mình chấn kinh, bởi thứ nàng đang vẽ không phải là cái gì khác mà chính là ấn phù khổng lồ xuất hiện trên bầu trời hôm am Thanh Phong xảy ra sự cố. 

Kiến Sầu thử điều khiển đấu bàn, cho nó quay nhè nhẹ đến một góc rồi dừng lại. Ngay vào khoảnh khắc đó, nàng tựa hồ như nghe thấy được tiếng chìa khoá tra vào ổ, khớp đúng chỗ kêu cái tách.

Các đường trên ấn phù mà nàng vẽ ra vừa khéo trùng đúng với một số đường tuyến khôn trên đấu bàn !

Mà các “điểm” xoay của ấn phù cái nào cái nấy cũng đều trùng khít với các chỗ “đạo tử” còn chưa được thắp sáng !

Phiến ấn phù lơ lửng trên không ngày ấy hóa ra là một đạo ấn !

Trong khi đó, đạo ấn lại chính là pháp môn tu hành !

Kiến Sầu cho đến giờ vẫn nhớ những gì Phù Đạo sơn nhân đã từng nói qua.

Kinh mạch khiếu huyệt của tu sĩ tương ứng với đấu bàn. Hiện tại đạo ấn trên đấu bàn đã có rồi, chỉ cần Kiến Sầu hiểu được đạo tử với tuyến khôn trên đạo ấn này tương ứng với vị trí nào trên cơ thể mình thì lúc đó sẽ có thể luyện tập được pháp thuật thuộc về đạo ấn đó !

Tức thời, ánh mắt Kiến Sầu sáng ngời. Nàng biết mình đã lấy được thứ mà rất nhiều người hằng mơ ước.

Đạo ấn…

Nó không phải chỉ có mỗi một cái không thôi. Ngoài ra, đầu óc nàng vẫn còn ghi tạc năm đạo ấn thấy được khi khối cầu ngoài ẩn giới am Thanh Phong phát sáng nữa.

Cộng lại là sáu cái tất cả !

– … Ông trời đang bù đắp cho mình đây sao ?

Kiến Sầu nghĩ nghĩ, hốt nhiên bỗng chợt thấy hơi buồn cười.

Nàng vỗ vỗ tay, rũ sạch chút phấn linh thạch đã nát còn dính lại, thu thế đả tọa, đồng thời cũng để đấu bàn dưới thân dần dần biến đi. 

Tuy nhiên, xung quanh lại không hề trở nên tối tăm chút nào.

Ánh sáng đom đóm trăng trắng điểm điểm li ti như hạt gạo bỗng nhiên đập vào tầm mắt Kiến Sầu.

Nàng hơi sững ra, vừa ngoảnh đầu lại thì liền thấy được một cảnh tượng êm đềm đẹp đẽ.

Bên đầm nước chẳng biết tự bao giờ đã bay lại một bầy đom đóm. Con nào con nấy đều đập đập đôi cánh tí hon bay tới bay lui trong bụi cỏ cạnh đầm nước, trên đuôi mang một ngọn đèn nho nhỏ, chỉ đủ để chiếu sáng một chút xíu bóng tối xung quanh.

Bọn chúng chẳng hề hay biết ở cách đó không xa còn có một tu sĩ loài người đang ngồi trộm ngắm mình.

Bóng đêm u u thâm trầm, đom đóm trông đẹp đến nao lòng.

Kiến Sầu nhìn mà nhất thời bất giác lặng đi.

Mãi đến khi ánh sáng trên đuôi đom đóm dần trở nên mờ nhạt, nàng mới bắt đầu cảm thấy giữa thiên không còn có một nguồn sáng khác mạnh hơn.

Chân trời càng lúc càng lúc càng rạng.

Đêm vậy mà đã sắp tàn rồi.

Sương sớm trĩu giọt buông mình từ các phiến lá cỏ mọc quanh quanh đầm đá.

Kiến Sầu chớp chớp mắt khẽ cười : “Ánh sáng đom đóm đúng là khó mà tranh được với mặt trăng mặt trời…”

– Bạn* cũng nghĩ như vậy ư ?

* Người nói chuyện với Kiến Sầu là phù du Triêu Sinh. Đối với Triêu Sinh, Kiến Sầu là người hắn gặp ngay khi vừa sinh ra, là bạn chí thân cả đời. Phù du sau này luôn gọi Kiến Sầu là bạn cũ.

Một giọng nói kỳ lạ vang lên sau lưng Kiến Sầu : Thanh âm nghe trẻ trung nhưng đồng thời dường như lại đậm màu thương hải tang điền; trong trẻo đấy nhưng sao lại như có gì đó sàn sạt khàn khàn; nhẹ nhàng đấy nhưng nghe lại có vẻ như nặng nề khôn tả…

Kiến Sầu vừa quay lại thì liền sững người.

Nàng đang ngồi ở một đầu phiến đá to dài, còn đứng đó ở đầu kia giờ lại là một thiếu niên mi thanh mục tú.

Sương mù buổi sớm dường như che mất khuôn mặt hắn, nhìn chỉ thấy mờ mờ ảo ảo. Người mặc trường bào nhàn nhạt xanh, nét họa tiết trang trí thêu trên nền vải đã cổ lỗ lỗi thời.

Trông rõ là thiếu niên thế nhưng không biết sao Kiến Sầu lại có cảm giác như đang gặp một ông lão tuổi già xế bóng. 

Thiếu niên ấy tới cạnh mình từ bao giờ nàng vậy mà lại chẳng phát hiện ra.

Tự nhiên nàng liền đưa tay cầm lấy cây gậy trúc chín đốt, con phù du đậu bên trên đã đi đâu mất tự đời nào. 

Kiến Sầu bấu chặt các đầu ngón tay lên thân trúc nhưng sắc mặt vẫn tỏ ra vui vẻ : “Bạn là ai ?”

– Ta ư ?

Thiếu niên dường như hơi đâm ra bối rối. Hắn nghĩ ngợi một hồi rồi lắc lắc đầu đáp : “Ta cũng không biết mình là ai.”

Kiến Sầu kinh ngạc hỏi : “Bạn không có tên sao ?”

Thiếu niên vẫn lắc đầu, đáy mắt tựa hồ vô cảm. Hắn lại hỏi lại nàng : “Bạn cũng thấy ánh sáng đom đóm khó mà tranh với mặt trăng mặt trời ư ?”

– Đời đom đóm ngắn ngủi mà nhật nguyệt thì vĩnh hằng… Huống chi, ánh sáng của nó nhỏ như hạt gạo… thật kém xa.

Kiến Sầu chẳng qua cũng chỉ nói thật. Nàng tuy rất thích đom đóm trong bóng tối nhưng lại không khỏi phải thừa nhận rằng cách biệt giữa chúng quá lớn. Mà điều người thiếu niên kỳ lạ trước mặt nàng có vẻ như rất chấp nhất về vấn đề này.

Thiếu niên đứng ở cuối đầu kia tảng đá mà rêu xanh tựa hồ như đã bò mọc trên người hắn rồi.

– Đời đom đóm ngắn ngủi mà nhật nguyệt thì vĩnh hằng. Bạn có biết cái đó gọi là gì không ?

– … Không !

Kiến Sầu chẳng hiểu rốt cục hắn muốn nói cái gì.

Người thiếu niên cười, nụ cười vậy mà lại tựa gió xuân thoáng phất qua mặt.

Hắn đáp : “Đó chính là đạo.”

Đạo ?

Kiến Sầu sững người. 

Nàng bỗng chợt nhìn ra được sự bất phàm trong người thiếu niên trước mắt.

– Bạn biết đạo là gì sao ?

– Ta biết chứ !

Thiếu niên bình thản đáp : “Hình như ai cũng muốn biết đạo là cái gì, cứ ngửa mặt cầu trời xin minh chứng, nhưng tự thân lại biết đạo không phải là “đạo” mà là “chứng đạo”. Bạn cũng muốn chứng đạo phải không ?”

Kiến Sầu dám chắc một điều rằng chính ngay Phù Đạo sơn nhân cũng chẳng dám mạnh miệng trơ mặt oang oang tuyên bố mình biết “đạo” là cái gì.

Ngàn ngàn vạn vạn năm nay, mấy ai dám nói biết ?

Theo nàng nghĩ, người biết được “Đạo” có lẽ đều đã trường sinh bất tử hết. Vì vậy đối với những gì người thiếu niên đã nói nàng cảm thấy bán tín bán nghi.

Kiến Sầu chớp chớp mắt đáp : “Ta lại chẳng muốn chứng đạo mà chỉ hơi hiếu kỳ, không biết đạo rốt cục là cái gì.”

– Đạo á ?

Người thiếu niên chẳng nhúc nhích lấy một mảy, ánh mắt phiêu du trên mặt biển xa xăm.

Một tia sáng từ đầu vầng thái dương mới nhú bừng lên trên đường chân trời, xán lạn ánh chiếu nơi đáy mắt, khiến mắt hắn trở nên đo đỏ hồng hồng như máu.

– Đó là một thứ rất xấu, xấu xí vô cùng. Bạn sẽ chẳng muốn thấy đâu…

Kiến Sầu nghĩ đầu óc của cậu bé này chắc có vấn đề. Nhưng nói chuyện với hắn Kiến Sầu lại cảm thấy lòng mình yên bình, kỳ diệu vô cùng.

Nàng cũng không ngại, bèn lái sang chuyện khác : “Đạo gì gì đó ta chẳng hiểu nổi nhưng ta thấy lạ, không biết bạn làm sao lại có mặt ở đây ?”

– Ta trước giờ vốn vẫn ở đây. Tại bạn quấy nhiễu nên ta mới ra mặt. 

Thiếu niên từ từ cuộn người ngồi xuống, mặt đối mặt với Kiến Sầu nhưng tuyệt chẳng tới gần : “Bạn có từng nghe qua câu này chưa : Sáng sinh chiều chết, không ăn không uống; phù du thân gửi đất trời, tựa hạt thóc nhỏ muôn trùng biển khơi*.”

* Vế trên lấy ý từ bài phú Tiền Xích Bích của Tô Thức (1037-1101), còn gọi là Tô Đông Pha. Nguyên văn : Ký phù du vu thiên địa, miểu thương hải chi nhất túc.

– Không nhiều như vậy, nhưng cũng có từng nghe qua.

Kiến Sầu gật gật đầu nói tiếp : “Loài phù du sáng sinh chiều chết.”

Người thiếu niên nọ nét mặt bỗng nhiên chợt hiện tiếu ý lạ lùng : “Ta là phù du vừa mới ra đời sáng nay.”

– …

Kiến Sầu ngây người sững sờ.

Phù du là một loài côn trùng rất nhỏ thường sống ở mép nước, thọ mạng chỉ vẻn vẹn đúng có một ngày. Nàng từng thấy chúng ở rất nhiều nơi, nhưng “người” tự xưng “phù du” thì đây là lần đầu tiên mới gặp.

Thiếu niên chợt bật cười, tựa hồ như thấy Kiến Sầu thật thú vị : “Lúc nãy ta ở bên cạnh nhìn bạn một hồi, bạn là người phải không ? Con người ai cũng thú vị như bạn sao ?”

– Ta như vậy… không coi như thú vị đâu. Người thú vị thật sự chắc có lẽ phải giống giống như sư phụ ta mới đúng… 

Kiến Sầu định nói cho hắn biết Phù Đạo sơn nhân là người thế nào nhưng không biết sao đầu óc lại tự dưng nhớ tới câu nói vừa rồi của mình : Loài phù du sáng sinh, chiều chết.

Nàng đang nói nửa chừng liền khựng lại, không nói nữa.

Thiếu niên hỏi : “Tại sao lại không nói tiếp nữa ?”

Kiến Sầu lắc đầu đáp : “Chẳng có gì hay mà nói.”

Thiếu niên lại hỏi : “Một con phù du nói chuyện với bạn, bạn không ngạc nhiên sao ?”

– …Có, nhưng bây giờ điều đó không quá quan trọng nữa rồi.

– Ta vừa mới ra đời sáng nay, khi nào mặt trời lặn, hoàng hôn buông xuống thì sẽ chết.

Giọng thiếu niên hình như bắt đầu khác đi. Kiến Sầu nghe ra rõ ràng trong thanh có chút gì đó thương tang, trải đời.

Sáng sinh, chiều chết.

Người thiếu niên trước mặt nàng ――

Chiều xuống sẽ phải chết sao ?

Thế nhưng người thiếu niên tâm trạng lại chẳng hề dao động, giọng nói đều đều tựa như một đường thẳng : “Loài phù du sáng sinh chiều chết, mạng sống chỉ kéo dài có mỗi một ngày. Đây cũng là đạo. Nhưng so với tu sĩ các bạn mà nói, ta vừa mới ra đời không lâu, tại sao phải chết ? Ta không muốn chết.”

Hắn lại tiếp : “Bạn nói xem, trên đời này có phù du nào sống quá một ngày không ?”

Kiến Sầu không sao trả lời nổi.

Ánh mắt thiếu niên ngưng đọng trên mi mục Kiến Sầu, lại nói : “Các bạn nghe đạo có thể trường sinh. Ta cũng muốn được vậy. Ta không tin mình chẳng sống quá một ngày.”

– Nếu như không thể thì sao ?

Lòng nàng nặng nề khôn tả, có lẽ bởi vì dăm ba câu đó của thiếu niên dường như đã động tới điều gì trong nàng chăng ?

Kiến Sầu không rõ lắm, chỉ hỏi lại như vậy.

– Mặt trời mọc, ta sinh. Mặt trời lặn, ta chết. Nghe đạo thì chết, lý gì như vậy ?

Người thiếu niên thong dong đứng dậy, dõi mắt nhìn quầng mặt trời hồng đang từ từ nhô cao, giọng hắn ung dung nhẹ nhàng nhưng nghe lại càng lúc càng trở nên kinh tâm động phách : “Nếu “đạo” bắt ta sống chắng quá một ngày, ta nhất định sẽ khiến mặt trời mọc mãi mãi không lặn, mặt trời lặn vĩnh viễn không mọc; sẽ khiến cả thiên hạ này chẳng còn sáng chiều, chẳng còn ngày đêm; thời gian muôn đời ngừng trôi, vạn cổ dài như một ngày…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *