19. Sơn nhân trở về

– …

Giọng điệu nghe rõ là ôn hòa nhẹ nhàng nhưng không biết sao Kiến Sầu vậy mà lại cảm thấy được khí phách hùng tráng nghịch thiên trong đó !

Tim bỗng chợt dồn dập như trống nổi, nàng ngước mắt nhìn hắn.

Người thiếu niên không quay đầu lại.

Kiến Sầu cũng không biết mình im lặng bao lâu, đến khi cảm thấy ánh mặt trời bỏng rãy soi thấu đáy mắt, nàng mới khẽ chớp chớp mi, cười nói : “Vậy thì chỉ cần sáng sinh là được.” 

Chỉ cần sáng sinh, không cần chiều chết.

– Chỉ sáng sinh sao ?

Thiếu niên nhẹ nhàng quay đầu lại, nhìn Kiến Sầu cười.

Hắn thong thả ngồi xuống nhìn mặt trời đỏ ối lơ lửng trên biển cả xanh thẫm mênh mông, hai tay đặt lên đầu gối, tiếp giọng xa xăm : “Thật hay ! Ta vẫn còn chưa có tên, vậy cứ gọi Triêu Sinh đi.”

Kiến Sầu hơi ngạc nhiên, há miệng định nói. Nào ngờ, người thiếu niên chợt thình lình nghiêng đầu nhìn về phía tây, đầu mày cau lại.

Nàng nhìn theo ánh mắt hắn thì thấy xa xa giữa không trung bỗng có một đạo hào quang lam sẫm xẹt tới, hơn nữa lại còn kéo theo tiếng gọi rất to : “Kiến Sầu nha đầu, Kiến Sầu nha đầu !”

Kiến Sầu vui mừng đứng bật dậy, vẫy vẫy tay : “Sư phụ, đồ nhi ở đây !”

Giữa lưng chừng không, vệt sáng kia lập tức khựng lại. Cuối cùng cũng tìm ra được Kiến Sầu, Phù Đạo sơn nhân đứng giữa hào quang xanh biếc ngời ngời liền vội vàng chuyển hướng tiến lại. 

Nàng cứ tưởng ông ở am Thanh Phong nhất định sẽ gặp nguy hiểm. Lúc đó tình hình như vậy, tuy ngoài miệng nói chuyện với hai người Trương Toại thì bảo không lo, nhưng đó chẳng qua là nàng an ủi người khác và đồng thời tự an ủi bản thân thôi.

Bây giờ thấy ông xuất hiện, lại còn gọi tên mình, nghe giọng mười phần hùng hậu, Kiến Sầu vui vui trong dạ. Đang toét miệng cười, nàng bỗng chợt nhớ tới người thiếu niên.

– Đây là chính là người mà ta nói thú vị…

Tiếng nàng im bặt giữa chừng.

Bên đầm nước chỉ có mấy con phù du đang vẫy vẫy cánh chấp chới bay.

Bị ánh mặt trời nóng rực chiếu rọi, cơ thể vừa mới ra đời không lâu của chúng trở nên sang sáng mờ mờ, trong trong, giống như đàn đom đóm hôm qua. Đôi cánh bằng chưa đầy hạt gạo lại càng mỏng nhẹ đến nỗi chẳng thấy bóng dáng đâu.

Đá bên cạnh đầm nước và cả khối Kiến Sầu vừa ngồi đều ngoằn ngoèo đầy rêu xanh. Nhưng vậy mà lại chẳng có thiếu niên kia. Rêu trên mặt đá hoàn toàn chẳng có chút dấu vết bị đè rạp nào, tựa hồ như nơi đây hiện không phải chỉ không có ai mà là trước giờ đều chẳng có ai cả.

Người thiếu niên vừa tự xưng “phù du” ban nãy thật chẳng khác gì một giấc mộng của nàng.

Bây giờ tỉnh giấc rồi thì mộng cũng tan.

Kiến Sầu hơi lặng đi.

Nàng đi một vòng quanh quanh, ngó nghiêng tứ bề. Đầm đá vẫn là đầm đá hôm qua, dấu vết con người nửa điểm cũng chẳng thấy.

Kiến Sầu bèn đứng lại, câu lời kinh tâm động phách của người thiếu niên đó thế nhưng vậy mà vẫn còn vang vọng trong trí.

Hắn đi rồi thì phải ?

Nàng cúi đầu nhìn xuống phiến đá có người đứng ban nãy, đang định quay lại nói chuyện với Phù Đạo sơn nhân thì ánh mắt đột nhiên chợt sững lại trên mặt phiến đá đó.

Có lẽ ngày thường chẳng ai chú ý đến đầm đá nhỏ trên đảo Đăng Thiên này. Khối đá dài một trượng ấy phô mình nằm nghiêng nghiêng cạnh mép nước, các cạnh bên đều dầy rêu, mà ngay chính giữa thì lại đầy đất cát.

Kiến Sầu chầm chậm đi qua, cúi người xuống xem.

Nàng tần ngần giây lát nhưng rồi cuối cùng cũng giơ tay gạt gạt lớp đất âm ẩm giữa nền đá.

Bụi bặm đất cát dần dần bị quét đi, để lộ chất đá cứng rắn vốn có bên dưới. Các vệt ngang vệt dọc khắc sâu bên trên rốt cục cũng hiện ra.

Kiến Sầu lui về sau mấy bước, thu trọn hình dạng các dấu vết ấy vào đáy mắt. Thì ra đó là chữ ――

―― Triêu.

Triêu ư ?

Ngoài nó ra thì chẳng còn chữ nào khác nữa.

Kiến Sầu hoảng hốt không thôi.

Phiến đá này trông giống như một tấm bia bị đổ, phần đế tàn khuyết, có lẽ là bị nứt bể.

– Rào… rào… rào… rào…

Phía sau lưng hốt nhiên cát bay đá chạy mịt mù.

– Ui cha, tiên sư cha nó, đúng là bị cái đám đần độn đó hại chết rồi. Hu hu hu, cái lưng còng của sơn nhân ta…

Bịch một tiếng, Phù Đạo sơn nhân rốt cục cũng hạ xuống, vừa cất thanh kiếm Vô dơ hầy lại còn nứt nguyên một đường lớn xong thì liền bù lu bù loa khóc to.

Kiến Sầu vội vàng quay lại nhìn.

Cả người lão lem luốc máu, quần áo te tua, cái mặt nhăn nheo già nua dầy dạn gió sương đang méo xệch mếu máo, so với lúc mới gặp thì tàn tạ thê thảm hơn không biết bao nhiêu lần. Dĩ nhiên…

Kiến Sầu còn nhìn thấy cả con ngỗng trắng to bộ dạng khổ sở gần chết đang bị lão ôm chặt trong ngực.

Trước khi đi am Thanh Phong, Phù Đạo sơn nhân đã ôm con ngỗng đi. Về sau lão quay lại kéo Kiến Sầu đi cho đủ số thì nàng không thấy nó đâu nữa. Nàng lúc đó cứ tưởng con ngỗng mình nuôi làm bạn bấy lâu chết rồi, không ngờ… 

Kiến Sầu nghe Phù Đạo sơn nhân than thở bai bải chẳng khác gì trời sập tới nơi mà khóe miệng nhếch nhếch, thấy mình lo lắng cho đã thật đúng là công cốc.

– Đang lúc dầu sôi lửa bỏng mà sư phụ còn mang ngỗng đi là sao ?

– Cái này, cái này là ngỗng của ta mà !

Phù Đạo sơn nhân chẳng mắc cỡ mà còn lấy làm đắc ý. Dường như quá mệt, lão le lưỡi, thả mông cái bịch xuống đất, rồi mới liền thở hắt ra một hơi thật dài.

Cứ chốc chốc nhát nhát lão lại vuốt vuốt đầu con ngỗng, bộ lông bóng mượt của nó sờ dưới tay thật dễ chịu.

– Thư giãn, đời bây giờ mới gọi là thư giãn a…

Lão cứ vuốt một cái là con ngỗng trắng to run lên, đập đập hai cánh, ra bộ bất mãn dữ dội.

Tiếc thay, Phù Đạo sơn nhân lại hoàn toàn chẳng hề cảm thấy cử chỉ của mình là đang “hành hạ” nó hay có gì quá đáng. Bụng dạ phơi phới, lão hỏi Kiến Sầu : “Còn con ? Sao thấy trên người cũng dính máu vậy hả ?”

Cũng có máu á ?

Kiến Sầu vẫn còn mải đờ ra nhìn dáng vẻ Phù Đạo sơn nhân, hoàn toàn chẳng dè lão vậy mà thình lình bỗng hỏi đến mình. Đến bây giờ cúi đầu nhìn xuống mới hay trên người mình đúng là dính máu nhạt nhạt.

Nàng nghĩ nghĩ.

– Không phải là máu của con. Là… máu của Tiểu Vãn sư muội đó.

– Có chuyện gì sao ?

Tay Phù Đạo sơn nhân đang vuốt ve con ngỗng liền chững lại.

Lão nhíu mày giương mắt chăm chú nhìn Kiến Sầu, bấy giờ mới thấy tuy mắt nhìn hoạt bát sinh động nhưng thái độ thì không được thoải mái cho lắm.

Bốn người kia bằng mặt mà không bằng lòng lão đã nhìn ra từ lâu. Nhưng đang lúc tình thế nguy cấp, cả đám cho dù có mâu thuẫn cũng phải ráng mà nhịn xuống. Huống chi Kiến Sầu hoàn toàn càng chẳng dính dáng gì về lợi ích, cho dù trong ẩn giới chúng có lấy được cái gì đi nữa, rồi về sau đâm ra thù nhau cũng sẽ chẳng vạ lây tới nàng.

Lúc đó lão kéo nhét Kiến Sầu cho đủ số một là bởi vì vừa hay rất phù hợp, hai là vì nguy hiểm gần như bằng không.

Nhưng không biết bây giờ lại xảy ra chuyện gì ?

Phù Đạo sơn nhân chờ Kiến Sầu trả lời.

Nàng suy nghĩ sắp xếp trình tự xong xuôi liền nhất nhất kể lại cho lão nghe mọi chuyện xảy ra kể từ sau khi truyền tống khỏi lòng núi am Thanh Phong.

Phù Đạo sơn nhân mới ban đầu còn đỡ nhưng sau đó thì nhíu tít mày : “Con nói người đuổi giết Hứa Lam Nhi là Đào Chương phải không ?”

– Đúng là cái tên này.

Kiến Sầu nhớ tới lời Hứa Lam Nhi, lại tiếp : “Hứa Lam Nhi nói y chính là đệ tử của Ngũ Di tông.”

Về tông môn trong Thập Cửu Châu, Kiến Sầu một mảy cũng không biết nhưng Phù Đạo sơn nhân thì lại rất rõ ràng. Lão nghĩ ngợi một hồi rồi giải thích : “Trong số các tông môn ở Tả Tam Thiên trung vực, nếu ta nhớ không sai thì Ngũ Di tông xếp trong năm vị trí đầu, được liệt vào hàng “Thượng Ngũ”. Hứa Lam Nhi chỉ xuất thân từ một cái phái Tiễn Chúc nhỏ xíu mà cũng dám ra tay với đệ tử Ngũ Di tông, lần này bị vậy coi như cũng đáng đời.” 

– “Thượng Ngũ” hả thầy ?

Kiến Sầu lại bắt đầu hỏi.

– Thôi, vốn ta không tính nói nhiều chuyện như vậy nhưng dù sao cũng sắp tới Thập Cửu Châu rồi, cái gì cần biết cũng phải cho con biết.

Một cái đùi gà chớp mắt liền hiện ra trong tay Phù Đạo sơn nhân, lão vừa ngoạm một miếng, hơn nửa cái đùi liền trơ khẳng.

Kiến Sầu nhìn mà hết biết.

Phù Đạo sơn nhân vừa ăn vừa nói : “Thập Cửu Châu phân ra thành bốn vực : nam, bắc, trung, cực. Cái này thầy có cho con biết rồi. Nói cho dễ hiểu thì trung vực là một phần của Thập Cửu Châu. Mặt tây trung vực là đồng bằng sông núi bao la, tông môn hằng hà sa số san sát như rừng, quy mô lớn nhỏ đủ cả, nhân số cái nhiều cái ít. Do đông như vậy nên xưa nay đều mang danh “Tả Tam Thiên”. Trong số đó, năm tông môn mạnh nhất được gọi là “Thượng Ngũ”. Sau thì tính tới số lượng, có lúc kêu “Trung ngũ thập lục “, có lúc kêu “Nhị bách ngũ”, các môn phái nhỏ khác thì được liệt hết vào hàng “Tiểu Tam Thiên”.”  

– Hóa ra là vậy, còn tiểu hội Tả Tam Thiên thì sao hả thầy ?

Kiến Sầu chợt hỏi.

Phù Đạo sơn nhân ngẩn người : “Con sao biết được cái này ?”

– Tại Tiểu Vãn sư muội có nhắc tới.

Nhắc tới Nhiếp Tiểu Vãn, vẻ mặt Kiến Sầu liền xìu xuống : “Hình như nó rất muốn tham gia, lại còn hỏi con có đi không. Con không biết nên không trả lời.”

– Đi, đi chứ sao không !

Phù Đạo sơn nhân tròn mắt trừng lớn, đùi gà quăng xoẹt xuống đất, khí thế bừng bừng : “Sơn nhân ta lâu lắm rồi không có đi xem tiểu hội Tả Tam Thiên. Ta nói cho con hay, đây là sự kiện lớn nhất ở trung vực chúng ta đó. Tông môn Tả Tam Thiên hằng hà sa số đều tuyển đệ tử cho tham gia. Lần nào cũng ra được một số người kinh tài tuyệt diễm ! Sư phụ con năm xưa là từ tiểu hội Tả Tam Thiên mà nên đó !”

Kiến Sầu hiểu ra, thấy nó có điểm giống như thi cử các cấp ở thế giới phàm tục.

Nhưng Thập Cửu Châu thì chắc chắn sẽ tự do hơn một chút.

Nàng chợt tò mò hỏi : “Vậy trong tiểu hội Tả Tam Thiên hồi đó, sư phụ đứng nhất phải không ?”

– …

Tiên sư cha nó, đúng là không có ngày nào yên thân mà !

Phù Đạo sơn nhân chết lặng nhìn Kiến Sầu, trong bụng quạu đến nỗi thật chỉ muốn vo tròn bóp dẹt cái đứa đồ đệ này liệng xuống biển cho cá ăn cho xong.

Lão kiềm lòng một hồi thật lâu, sau mới bình tâm tĩnh khí mà ôn tồn trịnh trọng nói với Kiến Sầu : “Đồ nhi à, danh lợi đều là thứ ngoài thân, con sao cũng lại quan trọng mấy cái xếp hạng đó vậy ? Ta nói cho con biết…”

A.

Kiến Sầu ngước mắt nhìn Phù Đạo sơn nhân.

Cái giọng điệu này nàng quen quá rồi.

Kiến Sầu làm như ù ù cạc cạc không hiểu, đáp : “Đồ nhi xin ghi nhớ lời dạy của thầy. Vậy ra sư phụ năm đó chắc chắn là lợi hại cực kỳ, áp đảo quần hùng đúng không ?”

– Bao nhiêu đó mà nhằm nhò gì !

Được Kiến Sầu khen vống lên như vậy, Phù Đạo sơn nhân liền phổng mũi.

Lão làm bộ cao nhân tiên phong đạo cốt, vuốt vuốt chòm râu lơ thơ dưới cằm : “Giang sơn đời nào cũng có nhân tài, ba năm nữa, sư phụ chỉ mong sao con cho thầy được nở mày nở mặt !”

– …

Tự nhiên Kiến Sầu liền thấy áp lực, nặng nề hẳn lên, có điều ngay sau đó lại là một niềm háo hức lạ lùng.

Nhiếp Tiểu Vãn trông mong như vậy rốt cục là vì cái gì đây ?

Nàng chớp chớp mắt đáp : “Hứa Lam Nhi chắc cũng sẽ có mặt phải không thầy ? Với lại nếu Đào Chương có thể tìm Hứa Lam Nhi trả thù, hơn nữa còn muốn móc mắt nó thì đồ nhi cũng có quyền làm vậy đúng không ?” 

– Khụ… khụ… khụ !

Phù Đạo sơn nhân mới vừa mới mò đùi gà ra ăn liền thiếu điều muốn hóc xương mà chết. Lão sửng sốt giương mắt nhìn Kiến Sầu : “Con điên rồi hả ? Không lẽ lại đi báo thù cho cái con bé Nhiếp Tiểu Vãn đó ?”

– Cũng chẳng phải… tại trong bụng nuốt không trôi cục tức thôi.

Kiến Sầu chỉ hỏi cho biết, vạn nhất có khi cần thì sao ?

– Chậc… chậc…

Phù Đạo sơn nhân quay quay đùi gà trên đầu ngón tay, đi từng bước một vòng vòng quanh Kiến Sầu, nghĩ tới câu hỏi của nàng mà càng lúc càng thấy đứa đồ đệ này thật tốt. Lão rất ưng !

– Sư phụ ?

Kiến Sầu chẳng biết lão nhìn cái gì, trong bụng hơi hoảng.

Phù Đạo sơn nhân cười hắc hắc hai tiếng, nói : “Con nha, chừng nào về Nhai Sơn phải ráng tu luyện cho giỏi. Thập Cửu Châu vậy mà lại là một chỗ rất tốt. Chỉ cần thực lực con mạnh hơn người ta thì đừng nói báo thù, muốn giết hết cái Thập Cửu Châu này cũng không ai làm gì con được hết.”

Đúng rồi.

Nhớ tới lúc Nhiếp Tiểu Vãn với Trương Toại bàn nhau có mang hay không mang mình theo khi trước, Kiến Sầu cũng đã hiểu ra cái luật bên trong.

Hóa ra là chuyện này rất thường.

Nàng cũng cong môi cười đáp : “Dạ, trăm sự nhờ thầy dạy cho.” 

– Yên chí ! Đệ tử của sơn nhân ta không thua ai đâu ! Có cái phái Tiễn Chúc chút xíu thôi mà ! Sau này sư phụ sẽ dẫn con san bằng nó !

Phù Đạo sơn nhân hăng hái đớp thêm một miếng đùi gà, lại tiếp : “Ta nhớ con còn có một thằng chồng bội bạc nữa đúng không ? Chỉ cần nó thò chân vào con đường tu hành, chẳng chóng thì chầy thế nào cũng sẽ tới Thập Cửu Châu thôi, tới lúc đó cũng đập cho nó một trận luôn !”

Thằng chồng bội bạc á ?

Kiến Sầu nghe xong giật mình rồi bật cười.

Nàng mặt mày mi mục cong cong, nhớ tới tên đồ đệ mười ngày trúc cơ của lão già Hoành Hư núi Côn Ngô mà trong lòng hùng khí bừng bừng sôi sục.

Gió biển phất qua mặt, ánh nắng mặt trời đã bắt đầu hơi rát.

Kiến Sầu nhìn quanh một vòng rồi sực nhớ đã không còn sớm sủa gì nữa.

– Sư phụ, truyền tống trận trên đảo bị Hứa Lam Nhi phá rồi, chúng ta đi làm sao đây ?

– Chuyện nhỏ mà.

Phù Đạo sơn nhân tỉnh bơ như không. Lão đi thẳng tới cạnh Kiến Sầu, chìa tay ra đòi : “Đưa cây gậy cùi cho ta.”

Kiến Sầu nhìn lão, không nói tiếng nào.

Phù Đạo sơn nhân quái quái lặp lại : “Nói con đưa cái cây gậy cùi đây…”

Lão đột nhiên im bặt.

Khóe môi Kiến Sầu khẽ cong lên, nàng láu lỉnh hỏi : “Sư phụ, đó không phải là cây gậy trúc chín đốt mà thầy trăm cay ngàn đắng chặt từ nam hải về sao ?” 

Nàng còn nhớ trong lòng núi am Thanh Phong, mới mở miệng gọi “cây gậy nát” thôi mà Phù Đạo sơn nhân đã sửa lưng nàng một trận ra trò. Nhưng mà giờ thì…

A, cũng thú vị.

Phù Đạo sơn nhân biết mình lỡ miệng, tròng mắt đảo lia đảo lịa nhìn quanh tứ bề, làm bộ như không thèm lý lai gì tới đệ tử.

– A, gió lớn quá, đúng là nói cái gì nghe cũng khó. Ta còn phải đi sửa truyền tống trận nữa.

Thực ra, lão đang khóc ròng trong bụng.

Xài gậy trúc vẽ trận pháp thì đơn giản, chứ còn lấy thứ khác mà vẽ thì đúng là cực muốn hộc máu mồm. Nhưng giờ lão không thèm đòi Kiến Sầu trả lại cây gậy cùi nữa… A không, nó là trúc chín đốt đó !

Phù Đạo sơn nhân nhất định chơi luôn tới bến, khẳng khái ngậm đắng nuốt cay đi thẳng tới chỗ truyền tống trận.

Kiến Sầu cầm gậy trúc chín đốt cúi đầu nhìn xem, đến lườm trắng mắt coi thường cũng chẳng còn hơi sức nào nữa.

Nàng đi theo vị sư phụ ba xạo nhà mình đến cạnh truyền tống trận ngó thầy hí ha hí hoáy, không biết sao đầu óc tự nhiên bỗng nhảy ra mấy chữ. 

Kiến Sầu chợt hỏi : “Sư phụ, con còn có câu này muốn hỏi : Đạo lữ là cái gì ?”

– Rắc !

Phù Đạo sơn nhân mới vừa lượm một cục đá từ dưới đất lên, đang tính ướm ướm thử thử xem xem có xài được hay không thì không ngờ đúng lúc lại nghe phải cái câu của nàng.

Lão nhất thời phân tâm, làm cục đá trên tay bị bóp bể cái rắc.

Phù Đạo sơn nhân ngẩng đầu lên như thấy ma, con mắt nhìn mặt Kiến Sầu lom lom như kiếm hoa đào trên đó : “Cô… cô… cô… cô.. đừng có nói với sư phụ là có người muốn kết cô làm đạo lữ nha !”

Kiến Sầu hơi sững ra.

Phù Đạo sơn nhân tức thời liền nhè cái miệng than thân trách phận ra : “Trời ơi là trời, bất công quá đi ! Sơn nhân ta một mình lẻ bóng không biết bao nhiêu năm rồi đây ! Bất công quá đi !”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *