21. Con đường của ta

Kiến Sầu quay người, vạch đám đông băng đi, chẳng muốn nhìn thêm lấy một lần nào nữa. Phù Đạo sơn nhân ở phía sau cả người ngơ ngơ ngác ngác :

– Kiến Sầu, Kiến Sầu nha đầu !

Ái chà, cái con nhỏ này, chạy đi đâu vậy không biết ?

Đang tính cho nó xem chơi tên mình một chút đây !

Thiệt là ! Sư phụ của nó ít có lúc nào vinh quang như vậy lắm, nhiều thiên bia vẫn còn tên của lão kìa !

Cái con nhỏ này, không biết chiều lòng người ta một chút nào hết à !

Phù Đạo sơn nhân thở phì phì, rảo bước ôm con ngỗng trắng to đang khổ sở muốn chết trong lòng chạy theo : “Cô nói đi, cô đâu ưa sư phụ gì mấy phải không ? Cái gì mà đi nhanh vậy, ta chọc tức cô sao ?”

Lúc ra tới phía ngoài, Kiến Sầu đưa mắt nhìn quanh, thấy quảng trường to rộng mênh mông, đại dương bao la vô bờ, thậm chí trên mặt biển vẫn còn mấy chiếc thuyền phàm kiểu dáng lạ lùng đang lướt sóng xa xa, đến lúc này lồng ngực mới trở nên nhẹ nhõm hẳn.

Nàng dừng bước, quay đầu nhìn thẳng vào ánh mắt cáu kỉnh bực bội của Phù Đạo sơn nhân, mỉm cười nói : “Sư phụ hiểu lầm đồ nhi rồi. Sư phụ là người nổi tiếng kinh tài tuyệt diễm như vậy, con ngưỡng mộ uy danh từ lâu, còn cần phải ngó cái đống bia Cửu Trọng Thiên kia mới biết sao ? Cho nên con mới không thèm đi coi đó.”

Lần đầu tiên lão mới nghe nó nịnh được một câu ngon lành đường hoàng thế này. 

Phù Đạo sơn nhân nhìn Kiến Sầu, hiểu ra cái bộ dạng mất hồn của nó thì không khỏi chuyển tay khác ôm ngỗng, ôn tồn vỗ vỗ vai nàng, ý vị thông cảm nói : “Đồ nhi à, vi sư rất thích con ăn ngay nói thẳng vậy đó !”

– …

Da mặt Phù Đạo sơn nhân thì ra vậy mà còn dầy hơn nàng tưởng một chút.

Kiến Sầu lanh ý gật gật đầu, dáng vẻ cực kỳ ngoan ngoãn : “Vậy bây giờ đi được rồi ha thầy ?”

Lần này Phù Đạo sơn nhân rất vui vẻ, lúc bước chân đi, bộ dạng nhanh nhẹn thoải mái thấy rõ. Con ngỗng trắng to trong ngực lão rướn cái cổ dài ngoằng lên, ngoẹo nhìn ra sau. Nàng nhìn nó mà không biết sao cứ cảm thấy hình như cái con này đang kênh kênh liếc xéo mình.

Kiềm lòng chẳng đặng, Kiến Sầu lại hỏi : “Sư phụ, lúc thầy từ am Thanh Phong quay về con không thấy con ngỗng này. Thầy giấu nó ở đâu ?”

– Ẩn giới am Thanh Phong nguy hiểm như vậy, ngay sơn nhân ta cũng còn xính vính muốn chết chứ ở đó mà mang nó theo. Dĩ nhiên là phải cột nó lại ở bên ngoài rồi. Lỡ có bề gì nó thương tật, u đầu mẻ trán thì sao ?

Nói xong, lão miết miết ngón tay lên cái trán trơn bóng của con ngỗng, cười nựng : “Có phải không hả, ngỗng cưng !”  

– …

Thắc mắc cũ lại thừa dịp nổi lên : Rốt cục ai mới chính là đệ tử ruột của thầy đây ?

Kiến Sầu nghĩ chắc chắn chẳng phải là mình. 

Quảng trường cạnh bờ biển rất lớn, Kiến Sầu với Phù Đạo sơn nhân đi một hồi lâu mới tới được rìa quảng trường. Phóng mắt mà trông, trước mặt là biển khơi mênh mông, sau lưng là một miền đồng bằng bạt ngàn rộng rãi. Chạy dọc theo bờ biển là một dải núi thấp thấp, lầu gác nhà cửa không ít, trông tựa như thành trấn ven biển.  

Chỗ này đã là Thập Cửu Châu rồi.

Người qua kẻ lại quần áo trang phục đều khác khác nhau, màu sắc thì lại càng đa dạng hơn nhiều, chất liệu này nọ cũng lạ lùng cổ quái. 

Kiến Sầu vừa đi vừa nhìn, cảm thấy thật đúng là được mở rộng tầm mắt.

Phù Đạo sơn nhân từ trên bậc thềm cạnh quảng trường bước xuống, cười nói : “Chỗ này coi như là bờ biển tây nam Thập Cửu Châu, chặng cuối của mười ba đảo tiên lộ, bởi vậy mới cực kỳ náo nhiệt. Nhưng ở đây cũng chẳng phải là chỗ an toàn, đi đường phải biết cẩn thận, không thôi mất mạng đó.” 

– Vậy hả thầy ?

Nhìn sao đi nữa cũng giống như một chỗ bình thường thôi mà.

Kiến Sầu không hiểu nguy hiểm từ đâu ra.

Phù Đạo sơn nhân thần thần bí bí chỉ về phía bên trái. Đây cũng chính là phía bắc.

– Từ đó cứ đi tiếp tới thì sẽ gặp sông Cửu Đầu chảy xuyên Thập Cửu Châu. Bên bờ sông có cái lầu cao là Vọng Giang lâu. Đây là tông môn đặc biệt nhất ở trung vực Thập Cửu Châu chúng ta.

Lão lại chỉ sang bên phải, phía nam bọn họ.

– Từ bên này xuôi nữa về phía nam, gần biển có vùng lầu các cao xây quay mặt ra biển. Chỗ này cũng có một nguồn thế lực lớn, tên là Vọng Hải lâu, sức tương đương với Vọng Giang lâu.

Vọng Giang lâu, Vọng Hải lâu.

Kiến Sầu bất giác lấy làm lạ : “Tên của hai tông môn này sao nghe na ná vậy thầy ?” 

– Đúng rồi, bởi vậy sơn nhân mới nói…

Phù Đạo sơn nhân vân vê chòm râu lưa thưa mấy sợi dưới cằm, ánh mắt thâm trầm tựa như một bậc trí ngu… a không… trí giả.

– Hai nhà này đánh nhau như cơm bữa. Vốn ở Thập Cửu Châu chỉ có mỗi một Vọng Giang lâu thôi. Tông môn này từ lâu đã tách hẳn khỏi trung vực, coi như không thuộc Tả Tam Thiên nữa, lớn đến phát khiếp. Ai ngờ về sau nội bộ lục đục, tự đấu đá nhau, một nhà phân thành hai nhà, bởi vậy mới có thêm Vọng Hải lâu.

Nàng hiểu rồi.

Kiến Sầu cúi đầu nhìn vùng đất dưới chân. Chỗ hai thầy trò đang đứng chính là giáp ranh giữa Vọng Giang lâu với Vọng Hải lâu. Vậy ra, đây chẳng phải là chỗ dễ gặp rắc rối nhất sao ? 

Nàng nghĩ ngợi một hồi rồi đáp : “Chúng ta đi Nhai Sơn làm sao hả thầy ?”

Có một người tình cờ đi ngang qua bên cạnh hốt nhiên bỗng quay mặt lại nhìn Kiến Sầu, bạn đồng hành từ phía sau vượt lên, hỏi : “Sao vậy ?”

Người nọ nhún nhún vai, vội vàng đi tiếp tới cùng với bạn, đáp : “Ái chà, dân quê Thập Cửu Châu ta thực đúng là càng ngày càng đông. Mới rồi cô kia vậy mà lại hỏi làm sao đi Nhai Sơn. Ôi Nhai Sơn !”

– Ha ha ha, thiệt không ? Người hoang tưởng lúc nào cũng lắm…

– Chao ôi…

Kiến Sầu nghe xong, không khỏi có chút hết đường nói.

Nàng nghiêng đầu nhìn Phù Đạo sơn nhân.  

Lão đắc ý nhướng nhướng mày, thấy sắc mặt Kiến Sầu thì chịu hết nổi, hầm hầm bảo : “Tới lúc này rồi không lẽ tự tâm con không cảm thấy khoái chí tự hào sao ? Con nhìn con đi, cái thái độ này là thế nào đây hả ?” 

Kiến Sầu khó hiểu hỏi : “Nhai Sơn… Tại đồ nhi thấy lạ lạ, bọn họ đối với Nhai Sơn…”

– Kính ngưỡng khôn cùng, xa không thể với. Phải quá còn gì ?

Phù Đạo sơn nhân lúc này không giỡn hớt nữa. Lão mò mò lấy đùi gà ra, điềm nhiên nhìn con đường trước mắt.

Nhai Sơn…

Ba trăm năm không gặp rồi.

– Còn tại sao thì chờ chừng nào thấy rồi con sẽ biết.

Đến lúc đó sẽ hiểu tại sao khi nhắc tới Nhai Sơn ai cũng có giọng điệu đó, cũng tỏ thái độ như vậy.

Từ ngày bắt đầu tu hành cho đến nay, Phù Đạo sơn nhân luôn tự hào về Nhai Sơn. Mà Kiến Sầu cũng vậy, cũng sẽ tự hào về Nhai Sơn ngay từ bước chân vào miền đất Thập Cửu Châu này.

Môn hạ Nhai Sơn.

Bốn tiếng ấy lắng đọng biết mấy là điều !

Phù Đạo sơn nhân nghĩ đến đây hốt nhiên hùng khí sôi trào. Lão quẳng tiệt đùi gà, phất tay áo, giơ tay chỉ một cái !

– Kiếm tới ! 

Ào… ào… ào ! Cuồng phong nổi dậy, bộ quần áo lem luốc tả tơi trên người lão phần phật bay theo chiều gió !

Tiếp theo đó là tiếng kiếm ngân trong trẻo vang dài. Kiếm Vô — 

Lăng không xuất hiện.

Một vòng sáng lam sẫm bắn phụt ra !

Ngay lúc đó, toàn bộ khách qua đường trên lộ lớn, ai nấy đều chú mục nhìn sang.

Mà Phù Đạo sơn nhân lại coi như chẳng có.

– Đi con, sư phụ dẫn con đi xem đất Thập Cửu Châu ! Lên kiếm !

Đứng nơi đầu mũi kiếm, Phù Đạo sơn nhân ngẩng đầu dõi mắt nhìn ra xa, tựa hồ hoàn toàn chẳng hề hay rằng đang có không bao nhiêu là người đang hết hồn hay ngạc nhiên nhìn mình, trong mắt lão chỉ có khói mây bồng bềnh phiêu lãng, chỉ có đại địa Thập Cửu Châu mênh mông vô biên, chỉ có mỗi —

Nhai Sơn xa xa nơi kia !

Trong tấm thân gầy guộc đó ẩn chứa một nguồn năng lượng khiếp người.

Mà phong thái ấy cũng thật chẳng khác gì một gốc cổ thụ gân guốc vươn cao chất ngất.

Kiến Sầu nhìn cảnh tượng trước mắt mà khát vọng trào dâng, không những vậy trong lồng ngực cũng tự nhiên dào dạt hùng tâm tráng khí !

Nàng cười đáp : “Đồ nhi tuân lệnh !”

Cử chỉ ngự kiếm của nàng cũng thành thục dị thường, thân vừa đứng vững thì Phù Đạo sơn nhân liền cười dài một tràng, bắt quyết ngay lập tức ! 

Kiếm Vô bay vút đi !

Một đạo hào quang xanh biếc thấu thẳng trời xanh, vù vù xé gió lao về phía trước ! 

Trên mặt đất, nhiều tu sĩ kinh ngạc phóng mắt trông theo.

Bên tòa lầu cao ven đường.

Có một ông lão đang cúi cúi đánh cờ nói chuyện với người thanh niên bên cạnh mình. Vừa mới hạ con cờ trong tay xuống xong, thình lình lão bỗng chợt ngẩng phắt đầu lên, nhìn ra chân trời xa xa. 

Một đạo hào quang lam thẫm đột nhiên bùng lên !

Đây là…

Ngay tức khắc, ông lão liền mở tròn mắt nhìn rồi đứng bật dậy : “Đây là…”

– Sư tôn, sao vậy thầy ?

Người thanh niên giật mình sững sờ, tưởng xảy ra chuyện lớn nên liền vội vàng cất tiếng hỏi han.

Ánh mắt ông lão nọ cứ dõi theo đạo hào quang đang dần dần mất hút nơi xa, lâu thật lâu sau cũng vẫn không thu lại nổi, giọng nói nghe ra vừa lập cập vừa bàng hoàng : “Là Nhai Sơn, trưởng lão chấp pháp trung vực ! Tu sĩ Nhai Sơn trở về rồi…”

Trưởng lão chấp pháp ?!

Là cái vị Nhai Sơn bỏ lơ chức vụ ba trăm năm nay đó sao ?!

Thanh niên kia kinh ngạc khôn xiết, đưa mắt nhìn theo sư tôn mình.

Mà đạo lam quang kia thì đã biến mất vào khói mây mênh mông, hòa thành một màu với nền trời xanh biếc, chẳng còn thấy đâu tăm tích.

Kiến Sầu đứng bên trên, bay cao dần lên theo kiếm, tiến thẳng về phía đông bắc, tầm mắt từ đó cũng dần dần trở nên rộng mở.

Nàng nhìn thấy được ranh giới rõ rệt giữa đại dương với lục địa, thấy được một con sông lớn chảy từ đông bắc sang tây nam rồi cuồn cuộn đổ vào biển khơi; và thấy được cả một tòa lầu cao vút xuyên mây đứng bên bờ sông.

Đồng bằng bạt ngàn, xanh biếc một miền; cổ thụ chọc trời như mây màu lục tầng tầng lớp lớp phủ rợp đất Thập Cửu Châu.

Giữa lưng chừng không, mây bay lững lờ, càng lên cao càng lãng đãng mỏng đi.

Kiến Sầu ngẩng đầu nhìn, mặt trời chói chang trên cao tựa hồ như đưa tay ra là có thể chạm tới. Nàng cúi xuống xem, thi thoảng cũng có hào quang pháp bảo bay vút qua, có lẽ là tu sĩ khác của Thập Cửu Châu đang xuyên mây đi ngang qua.

– Sư phụ, Nhai Sơn vẫn ở phía đông bắc sao ?

Kiến Sầu vừa nhìn vừa hỏi.

Tiếng của Phù Đạo sơn nhân trong gió vẫn luôn rõ ràng vang khỏe như trước : “Còn ở phía trước đó ! Qua khỏi vùng đất Vọng Giang lâu này là Tả Tam Thiên trung vực, đi thêm chút nữa không xa sẽ tới sơn môn Nhai Sơn.”

Kiến Sầu nghĩ ngợi một lát liền líu lưỡi không thôi : “Lúc đi, chúng ta bắt đầu đi từ địa giới Vọng Giang lâu, mà bay lâu như vậy vẫn chưa ra khỏi Vọng Giang lâu hả thầy ?”

– Sắp rồi !

Phù Đạo sơn nhân hào sảng bật cười. 

– Vọng Giang lâu vốn ở nơi tiếp giáp giữa sông với biển, thông với đường bộ và cả đường biển. Đồ dùng, tiên dược hay linh bảo đều phải lưu thông qua chỗ của họ, bởi vậy Vọng Giang lâu mới được coi như là bậc địa chủ của Thập Cửu Châu ta, thành thử phạm vi thế lực mới bành trướng lớn như thế. Chỉ nội khu vực Vọng Giang lâu quản lý thôi đã lớn bằng cả Tả Tam Thiên trung vực rồi.

– …Lớn đến vậy sao…

Kiến Sầu thấy hơi có chút quá sức tưởng tượng.

Phù Đạo sơn nhân lắc đầu thở dài : “Đáng tiếc, cũng chẳng để làm gì, tu giới trước giờ đều chẳng lấy phạm vi thế lực mà luận anh hùng.”

Coi vậy mà không phải vậy.

Dựa vào những gì từng chứng kiến dọc đường, Kiến Sầu thấy sự tôn trọng của con người ta đối với Nhai Sơn chỉ có tăng chứ không có giảm, nhiều khi cũng có cả kiêng kỵ hay ghen ghét thật nhưng Vọng Giang lâu thì lại chẳng có ai nhắc tới bao giờ, từ đó mà xét thì hai bên đúng là khác biệt một trời một vực. 

Kiến Sầu cũng chẳng thấy hứng thú với Vọng Giang lâu, bèn đổi chủ đề hỏi : “Vậy phái Tiễn Chúc với Vô Vọng trai thì sao hả thầy ?”

– Lại nhớ tới cái con bé Nhiếp Tiểu Vãn đó phải không ?

Phù Đạo sơn nhân cũng hiểu tâm tư nàng : “Nhai Sơn ta với các môn phái lớn của Tả Tam Thiên trung vực đều có liên lạc với nhau. Xảy ra chuyện lớn như vừa rồi, chắc chắn sau khi Trương Toại xử lý mọi việc xong xuôi sẽ nhờ trưởng mối sư môn gửi tin cho Nhai Sơn. Vô Vọng trai chắc cũng thế thôi. Đến lúc đó con sẽ biết, không phải lo.”

Kiến Sầu nghe xong, nhẹ nhàng gật đầu.

Kể từ khi từ giã ở đảo Đăng Thiên, điều làm nàng lo lắng nhất cũng chỉ có Nhiếp Tiểu Vãn.

Cũng chẳng biết bọn họ bây giờ ra sao.

Phù Đạo sơn nhân lại nhìn sự việc có vẻ rất thoáng : “Tu hành năm tháng cực dài, trăm ngàn năm cũng chỉ như trong nháy mắt. Có dịp gặp nhau thì trước sau gì cũng sẽ có dịp gặp lại. Nếu con chăm chỉ tu hành, ba năm sau sẽ là tiểu hội Tả Tam Thiên, chắc chắn sẽ còn gặp lại. Có khi gặp phải chuyện gì đột xuất khác, không chừng cũng sẽ chẳng lâu tới như vậy. Với lại, Vô Vọng trai cách Nhai Sơn coi như cũng không xa lắm…”

– Coi như cũng không xa lắm sao thầy ?

Kiến Sầu sốt ruột hỏi lại.

Phù Đạo sơn nhân thong thả bấm bấm đốt ngón tay, đáp tỉnh như không : “Ừ, tính theo tu vi của tu sĩ trúc cơ thì bay chừng bảy tám ngày.”

– …

Kiến Sầu hết biết nói sao. Nàng bây giờ chẳng qua mới chỉ là kẻ vừa nhập môn, tu vi tàm tạm tới luyện khí mà thôi.

– Phải rồi, vậy tu vi sư phụ đến đâu ? Đồ nhi nghe bọn họ nói thầy lợi hại lắm.

– Ta hả ?

Phù Đạo sơn nhân nhướng mày, ra chiều khiêm tốn : “Sư phụ con chẳng lợi hại lắm đâu, ba trăm năm trước tu vi đã là nhập thế.”

Kiến Sầu tức khắc liền xòe ngón tay đếm đếm.

Luyện khí, trúc cơ, kim đan, nguyên anh, xuất khiếu, nhập thế !

Bậc thứ sáu rồi !

Kiến Sầu bây giờ cũng đã biết sơ sơ mỗi một cảnh giới tiến giai khó khăn nhường nào, trong lòng không khỏi thán phục : “Ba trăm năm trước tu vi đã là nhập thế, vậy lúc này sư phụ chắc phải tới phản hư cảnh giới thứ bảy hay hữu giới – thứ tám rồi đúng không ?”

– …

Ngay trong chớp mắt đó, Phù Đạo sơn nhân thật chỉ muốn thắng két lại, giật kiếm Vô, lia cho con ranh con này một đường sau lưng cho rồi.

Thở, thở, hít, hít.

Thở, thở, hít, hít.

Phù Đạo sơn nhân rốt cục cũng…

Bình tĩnh hết nổi nữa !

Lão đứng trên đầu mũi kiếm nghiến răng nghiến lợi mắng to : “Cô tưởng tu luyện là cái gì hả ? Cứ ăn cơm uống nước là lên vù vù sao ? Ai cũng nói tu vi một khi qua khỏi xuất khiếu đều phải tu tâm, ba ngàn năm cũng chưa chắc tu được cho tròn ! Cô lại còn hỏi sư phụ là phản hư hay hữu giới nữa ! Cô nói đi, rốt cục cô bất mãn Nhai Sơn hay bất mãn ta, cô nói đi ?”

– Con…

Đồ nhi bất mãn gì đâu !

Kiến Sầu nào có biết nhiều như vậy. Vả lại, cái chuyện qua xuất khiếu là tu tâm, lão đâu có nói qua hồi nào đâu ?!

Nhưng thấy Phù Đạo sơn nhân phát hỏa như vậy, Kiến Sầu thật chẳng dám cãi lại nửa câu. Nàng cực kỳ thức thời nhỏ giọng nhận lỗi : “Tại đồ nhi kiến thức nông cạn, sư phụ đừng giận, đừng giận nữa.”

– Hừ !

Phù Đạo sơn nhân lúc này mới cảm thấy nguôi nguôi.

– Sơn nhân đại nhân đại lượng, thôi không chấp nhặt với cô.

– Đa tạ sư phụ !

Kiến Sầu ngoan ngoãn rụt người lại phía sau : “Vậy tu vi sư phụ bây giờ tới đâu ?”

– …A, tu vi hả ?

Phù Đạo sơn nhân sờ sờ lấy từ trong ngực ra một cái lông ngỗng trắng, ung dung tự tại đáp : “Xuất khiếu đó !”

– Vậy cũng rất lợi… lợi…

Lợi hại…

Cái quái gì chứ !

Kiến Sầu thiếu điều cắn nhằm đầu lưỡi, tỉnh hồn cũng chậm nửa nhịp : “Xuất khiếu á ?!”

Không phải chứ, ba trăm năm trước là nhập thế, tu vi cảnh giới thứ sáu, nhưng sao ba trăm sau lại tuột xuống xuất khiếu, cảnh giới thứ năm ?

Kiến Sầu không hiểu nổi, cái chuyện tu ngược này rốt cục Phù Đạo sơn nhân làm sao mà làm được vậy chứ ?

Phù Đạo sơn nhân chột dạ sờ sờ mũi, cẳn nhẳn nói : “Sơn nhân nói rồi, qua xuất khiếu là tu tâm. Tu tâm đâu phải chuyện dễ dàng gì chứ. Cảnh giới xuất khiếu hay nhập thế quan trọng lắm sao ? Hừ, cô dẫn tu sĩ nhập thế lại đây cho sơn nhân đánh, ta đánh cho nó thừa sống thiếu chết cho coi ! Thôi, tu vi của sơn nhân ta tới đâu chẳng tới phiên con nít con nôi như cô bình phẩm, đừng có mà nhiều chuyện nữa !”

Kiến Sầu rốt cục cũng biết sư phụ mình xạo cỡ nào.

Nàng lí nhí sau lưng Phù Đạo sơn nhân : “Con nghĩ con hiểu tại sao thầy cứu nhiều người như vậy rồi, bọn họ ai cũng vô ơn bội bạc…”

Tại bị ép buộc hết đó mà !

Phù Đạo sơn nhân không buồn đáp, làm như chẳng nghe thấy : “Gió lớn quá, cảnh đẹp ghê, xem ta tay trái một con gà, tay phải một con vịt, hôm nay ăn no rồi, ngày mai ăn gì đây…”

Nói xong còn bắt đầu ư ử hát.

Kiến Sầu im lặng nhủ thầm : Thầy không phải vẫn còn ôm ngỗng đó sao ?

Con ngỗng trắng lớn được Phù Đạo sơn nhân ôm trong lòng ở phía trước không biết có phải linh cảm thấy nguy hiểm kề cận hay không mà đập đập hai cánh liên hồi.

Phù Đạo sơn nhân lại cũng chỉ cho là nó hứng chí, cười ha ha nói : “Ngỗng ngoan, ngỗng cưng, thông minh quá ! Ở dưới là Nhai Sơn rồi đó !”

Kiến Sầu ngẩn người.

Phù Đạo sơn nhân nhắm xuống một điểm ở phía dưới, nói : “Con đứng đó cho chắc, ta đáp xuống đây !”

A !

Kiến Sầu còn chưa kịp định thần lại đã cảm thấy nguyên thân kiếm Vô thình lình hụp xuống một cái, ngay sau đó liền lập tức chúc mũi băng băng lao xuống dưới ! 

Trong tích tắc đó, Kiến Sầu cứ ngỡ mình như sao băng đang sa xuống trần !

Hào quang lam sẫm vòng một đường ngoạn mục trên hoang nguyên bao la rồi nhào xuống trước một dải núi trùng trùng xanh thẳm.

Kiến Sầu đáp xuống trên một cái đài cao cạnh bờ sông, được tạc từ đá nguyên khối mà thành. 

Trước bãi cát ven sông có con sông đang cuồn cuộn chảy xiết. Cao cao phía trên là cầu dây treo dài dài được lát bằng ván gỗ đã bạc xỉn màu, tựa hồ như vì chịu nắng chịu mưa lâu ngày nên trông mới cũ cũ như vậy.  

Bên kia sông là một ngọn núi cao xanh biếc.

Kiến Sầu dõi nhìn đến hút tầm mắt mà vẫn chẳng thấy đỉnh của nó đâu, mây trắng lững lờ bồng bềnh quanh quanh lưng chừng núi, ngăn trở mọi cái nhìn tò mò của người bên ngoài.

Phù Đạo sơn nhân đứng bên cạnh Kiến Sầu, nhìn mãi thật lâu, thật lâu.

Tất cả ở trước mặt dường như không hề thay đổi gì.

Lão chầm chậm bước tới, giơ bàn tay nhăn nheo đặt lên cây cọc gỗ rêu xanh lòa xòa dựng cạnh cầu treo, thở dài nói : “Qua khỏi cây cầu này là Nhai Sơn rồi. Con đường này gọi là đường Nhai Sơn.”

Đường Nhai Sơn.

Kiến Sầu dõi mắt nhìn dọc theo cầu treo. Bên kia cầu chính là Nhai Sơn.

Ngọn núi này quá cao, quá dốc, mặt quay ra bờ sông giống như một vách đá dựng đứng, trên đó dường như thấp thoáng có bóng dáng kiến trúc xây dựng, nhưng vì đứng xa quá nên nàng thấy không rõ lắm.

Phù Đạo sơn nhân cũng chẳng giải thích gì thêm, chỉ cất bước đi về phía trước. 

Cầu treo rất dài, vượt qua cả gò núi thấp thấp bên bờ kia sông chứ không phải chỉ qua hết sông là thôi.

Kiến Sầu nhận ra nó vậy mà lại bắc hướng lên cao. Khi đi qua, dưới chân là sông dài chảy xiết, sóng nước cuồn cuộn, hơi nước mông lung mịt mờ phả tới, ẩm ướt mặt nàng.

Cầu treo có người đi lại rất hay tròng trành lắc lư. Kiến Sầu thiếu điều tưởng mình rớt xuống tới nơi.

Thật nguy hiểm.

Nàng ngẩng đầu nhìn ra phía trước. Cầu treo dốc lài lài lên cao, bắc vào một nơi trên sườn núi ở bờ bên kia. Đầu cầu nơi đó khuất hẳn trong mây, trông mà cứ tưởng như dây thang dẫn thẳng lên thiên cung. 

Đường Nhai Sơn vẫn còn rất dài.

Trong suốt thời gian đó, Phù Đạo sơn nhân không nói một tiếng nào.

Mãi cho đến lúc bọn họ đi tới bãi cát bờ bên kia, Kiến Sầu bất giác đứng khựng lại, dõi mắt nhìn trân trân ra bãi sông : “Sư phụ, ở đó…”

Đó là cái gì ?

Sóng nước vẫn cuồn cuộn chảy xiết, trên bãi sông bờ phía đông, cỏ dại um tùm xanh ngắt một miền. Mà giữa muôn trùng hoang dại ấy lại toàn những mồ là mồ, những mả là mả, cái lớn cái nhỏ lô nhô lúp xúp chiếm trọn toàn bộ tầm mắt của Kiến Sầu !

Hàng trăm hàng ngàn nấm mồ !

Hàng trăm hàng ngàn bia mộ !

Hết thảy đều nằm phía dưới. Tất cả những ai vượt cầu đều phải bước qua trên hơn ngàn nấm mồ ấy.

Trong chớp mắt đó, Kiến Sầu cảm thấy đất trời tựa hồ như tối đi, trước mắt hốt nhiên bỗng hiện muôn vàn ảo ảnh.

Mồ đơn ngàn nấm, mả lẻ ngàn dặm. 

Gió lạnh ào ào cuồng lộng giữa một miền mồ mả bạt ngàn ấy nhưng lại chỉ khiến được cỏ hoang rạp mình, sàn sạt sàn sạt rũ rượi khuất theo.

– Mộ ở đây được gọi là mộ ngàn tu Nhai Sơn, bên dưới là hài cốt đệ tử Nhai Sơn đã hy sinh trong cuộc chiến ở Cực Vực cách đây mười giáp* trước.

* Mười giáp là 600 năm.

Giọng của Phù Đạo sơn nhân vang lên phía trước Kiến Sầu.

Mọi ảo ảnh trước mắt đều tiêu tan. Trước mắt Kiến Sầu lại là một trời sáng sủa như cũ.

Dưới chân, mộ địa vẫn lặng lẽ nằm đó, cỏ xanh rập rờn.

Phù Đạo sơn nhân chắp tay sau lưng, chân không dừng bước.

Cửu phụng– Con sông lớn này là một nhánh của sông Cửu Đầu. Tương truyền thời thượng cổ có con chim thân tròn như cái nia, mười cổ chụm sát vào nhau, chín cổ có đầu, duy có một cái là không có. Nó ở cuối sông, cứ mỗi nửa đêm sẽ ngược lên thượng nguồn chở quỷ mà về…

– Bọn họ đều được chôn bên bờ sông Cửu Đầu, có lẽ trên đời có khi thật sự còn chim chín đầu có thể chở hồn phách của bọn họ về luân hồi Cực Vực.

* Chim chín đầu là một loài chim có hình dáng như chim phượng hoàng trong thần thoại Trung Hoa cổ đại, còn được gọi là Cửu phụng, Cửu phượng hay Cửu đầu điểu. Xem hình minh họa.

Giọng Phù Đạo sơn nhân chầm chậm ngậm ngùi, đầy thương tang, tựa như phải chịu đựng sức nặng của một khối đá cực to.

Trước đó Kiến Sầu vẫn còn lấy làm lạ, không biết tại sao dòng sông này lại có cái tên lạ lùng như vậy, hóa ra là vì ngọn nguồn thế này. 

Nhưng…

Cúi đầu nhìn xuống vô vàn nấm mồ dưới chân mà Kiến Sầu cứ cảm thấy sao lòng man mác thẫn thờ khôn tả. Nghe nói, tu sĩ một khi bỏ mình thì thần hồn tiêu tán, làm gì còn lại hồn phách nữa đâu ? Chôn họ bên một nhánh sông Cửu Đầu có lẽ chỉ là Nhai Sơn giữ đó một ước vọng hão huyền đẹp đẽ thôi chăng ?

Cầu dây treo chẳng mấy chốc càng kéo dài lên cao, thầy trò hai người cũng dần dần đi xa khỏi nơi bãi sông chi chít mồ mả.

Mỗi một bước đi thật giống như đi lên trời.

Phù Đạo sơn nhân ngửa đầu nhìn lên tít cuối bên kia cầu, rồi giơ tay chỉ cho Kiến Sầu xem. Trên vách đá Nhai Sơn cheo leo vạn nhẫn, ở chỗ giáp với đầu cầu, vậy mà lại có một con đường hẹp vắt ngang qua, đục âm vào trong, nhìn tựa như một dải đai lưng thắt ngang eo núi.

Sơn đạo cheo leo vắt ngang đó, tựa như thang trời thềm đá liền nhau, chất ngất sừng sững như sáu con rồng chầu quanh mặt trời, kỳ hiểm khôn cùng* !

* Đoạn trên lấy ý từ bài Thục đạo nan của Lý Bạch (701-762).

Mà phía trên sơn đạo vắt ngang sườn núi đó lại còn có thể thấy được thấp thoáng bóng một tòa đại điện khí thế hào hùng.

Có tiếng chim kêu lanh lảnh vang dội núi rừng.

Kiến Sầu ứng tiếng nhìn theo thì thấy bên bờ vực cheo cheo có một con chim ưng đang sải cánh bay khỏi mỏm đá nhọn, cái bóng vốn to lớn là vậy mà thoắt cái đã trở thành một chấm đen xíu xiu.

Nàng nhất thời cảm thấy bước trên cầu dây treo thực chẳng khác gì như dẫm lên mây, đầu óc có hơi choáng váng xây xẩm.

Phù Đạo sơn nhân chỉ vào con đường nằm vắt ngang vách vực mà lồng ngực bừng bừng tràn đầy hào khí : “Đây cũng là đường Nhai Sơn !” 

– Cây cầu dây treo dưới chân con đây được vô số tiền bối Nhai Sơn dùng hài cốt dựng nên, để giúp đệ tử môn hạ Nhai Sơn có thể qua lại thuận lợi, nhưng chuyện tu luyện thì lại cực kỳ khó khăn gian khổ, hiểm nguy dị thường. Như đường tuyệt đạo Nhai Sơn trước mắt này, chỉ cần hơi sơ sẩy một chút là sẽ rớt xuống vực sâu vạn trượng ngay.

– Nhai Sơn là con đường bằng rộng lớn nhất, huy hoàng nhất của tu sĩ Thập Cửu Châu nhưng đồng thời cũng là tuyệt đạo nguy hiểm nhất, gian nan nhất !

– Con đã nghĩ kỹ chưa ?

Là đường bằng nhưng cũng là tuyệt đạo.

Kiến Sầu tâm trí đã bàng hoàng kinh hồn trước con đường Nhai Sơn dài dằng dặc trước mắt, nghe Phù Đạo sơn nhân nói xong, nàng nhìn lên cả ngọn Nhai Sơn xa xa tựa như chỉ còn cách trời có ba trăm thước !

Nàng chậm rãi bước tới trước ba bước rồi đứng lại, ánh mắt dõi nhìn xa xăm.

Đường bằng ư ?

Tuyệt đạo ư ?

Không, tất cả đều chẳng phải.

– Con đã nghĩ kỹ rồi.

Đây chính là —

Con đường của nàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *