7. Thầy trò

Tại sao đầu óc sư phụ nàng lúc nào cũng toàn ngỗng với ngỗng vậy trời ?

Kiến Sầu đến là hết biết với lão, có lúc chỉ muốn bổ đôi đầu lão ra xem xem có phải có một ngàn con ngỗng trắng đang bay đầy trong đó hay không.

Nàng ngẩn người hồi lâu rồi cứng nhắc đáp : “Dạ không !”

Phù Đạo sơn nhân tức thời mặt mày ỉu xìu, dậm chân nói : “Sư phụ sao lại đi thu trúng đồ đệ xui xẻo vầy nè ! Đến ngỗng cũng chả biết nuôi nhiều nhiều mấy con nữa ! Thiệt đúng là nghiệp chướng, nghiệp chướng mà… Lục Diệp lão tổ của ta ơi, ai biểu ta gặp phải cô chứ ?”

Than thân trách phận đến nỗi người thấy thương tâm, người nghe rơi lệ. Nhưng Kiến Sầu chỉ chú ý có mỗi một điều : “Lục Diệp lão tổ là ai hả thầy ?”

Phù Đạo sơn nhân lườm nàng trắng dã con mắt : “Là một lão yêu bà cực kỳ lợi hại, cô không được phép nói tới !”

Kiến Sầu nhỏ giọng nói : “Nhưng rõ ràng là sư phụ nhắc tới trước mà !” 

– Cô nói gì đó ?

– Có nói gì đâu…

Thấy Phù Đạo sơn nhân nóng nảy thế kia, Kiến Sầu cũng biết hình như không nên nhắc tới cái bà “Lục Diệp lão tổ” này, bèn lập tức ngậm miệng ngay lại.

– Con vào nhà sửa soạn đồ đạc.

Nàng quay người, vội vàng đi vào trong.

Lúc này, trời còn tối đen, đêm vẫn còn khuya lơ khuya khoắt.

Đèn dầu trong nhà vẫn yên tĩnh cháy sáng, ngọn lửa thi thoảng bập bùng nghiêng ngả khiến ánh sáng trong cả gian nhà cũng chập chà chập chờn theo, lúc sáng lúc tối.

Kiến Sầu xốc rèm trong buồng lên. Bụi bặm bay đầy. Bài trí trong buồng cũng vẫn giống hệt như trước.

Nàng nhớ lúc mình với Tạ Bất Thần cùng dọn đến đây có từng chịu ơn nhiều người. Nếu bây giờ phải đi thì cũng nên hoàn lại ân tình cho người ta.  

Chiếc gương đồng đặt trên chiếc tủ song ngư thông dụng mờ mờ phản chiếu bóng dáng Kiến Sầu.

Nàng nhìn thấy ở trên bàn vẫn còn chút bột nước son phấn lặt vặt, tất cả đều là đồ lúc trước hay xài. Nàng nhớ cô con gái lớn nhà họ Lưu ở cách đây không xa rất thích mấy món này, chắc là có thể đem cho được…

Nghĩ vậy, Kiến Sầu bèn ngồi xuống trước gương trang điểm.

Nàng đưa tay gỡ búi tóc cao cao trên đầu ra, tóc mây thoáng chốc liền đổ xuống như thác. Tóc mai óng ả ôm viền hai bên má. Nàng thong thả lấy lược chải sơ đầu rồi lại vấn lại thành một cái búi đơn giản.

Trong rương vẫn còn quần áo sạch. Kiến Sầu cũng lấy ra, thay bộ đồ dính máu trên người đi 

Dáng áo xanh xanh, làn váy đung đưa buông chùng cửa võng. Nàng lại ngắm mình trong gương, bàng hoàng thẫn thờ chợt nhớ ra cái búi tóc rất riêng của phụ nữ đã thành gia kia nàng vậy mà chỉ búi được có ba tháng.

Kiến Sầu giơ tay ra chầm chậm quay mặt cái gương đồng lại, úp nó xuống bàn, để ngửa phần họa tiết phía sau lưng lên.

Cũng chẳng liếc mắt nhìn thêm, nàng liền quay lưng đi dọn dẹp đồ đạc trong phòng.

Lúc ra đi, Tạ Bất Thần đã chẳng mang thứ gì theo, thậm chí đến một đồng tiền cũng không. Nhận ra điều đó, Kiến Sầu cũng không biết mình có cảm giác như thế nào, chỉ vô vị nhếch môi cười.

Nàng lục ra một tấm vải thô xanh khá lớn rồi trải nó lên chiếc bàn ở gian ngoài, chất hết đồ đạc đã soạn xong vào đó. Chỉ chốc lát sau, trên tấm vải đã ngồn ngộn đủ thứ đồ lặt và lặt vặt, thậm chí còn có thêm cả một chiếc búa nhỏ nữa.

Quần áo để thay đổi hàng ngày nàng bỏ riêng ra một cái bao nhỏ khác, còn chút tiền bạc lẻ tẻ thì cất vào túi riêng, giắt ngang thắt lưng. 

Trên chiếc bàn bày ở gian ngoài, ánh đèn dầu đã yếu đi nhiều. Dầu thắp trong chén cũng đã dần cạn gần thấy đáy. Kiến Sầu cũng không châm thêm mà chỉ ngó ra bàn.

Cái rổ kim chỉ lại xuất hiện trước mắt nàng. Bên trong có chiếc khóa bạc xỏ dây đỏ lặng lẽ nằm đó.

Phù Đạo sơn nhân ở ngoài nhà kêu gào cả buổi mà cũng không thấy Kiến Sầu trả lời. Lão chỉ còn nước hậm hực đứng lại, chờ Kiến Sầu thu xếp xong xuôi sẽ đi ra. 

Nhưng chờ hoài chờ hủy mà chỉ nghe thấy bên trong leng ca leng keng lục cục lạc đủ trò, lão tự nhiên đâm ra khó hiểu : Có cái gì mà phải sửa soạn nhiều vậy ?

Sốt ruột đến chịu hết nổi nữa, lão bèn nhấc chân đi luôn vào trong, vừa vào thì thấy Kiến Sầu đứng kế cái bàn, trên chồng chất hầm bà lằng một đống đồ. 

– Lục Diệp lão tổ của ta à, cô đây là xuất hành hay dọn nhà đó hả ? Giờ cũng đã là người tu tiên rồi, còn mang nhiều đồ như vậy làm gì ?

Phải mau móc đùi gà ra ăn một miếng cho hạ hỏa mới được !

Phù Đạo sơn nhân thực chẳng ngờ nhìn cái con bé Kiến Sầu thông minh thế kia mà không biết sao rời nhà lại phiền toái rắc rối vậy chứ ?

Kiến Sầu lắc lắc đầu : “Không phải để mang hết đi đâu !”

Giọng nàng đều đều, nghe phiền muộn khôn tả.

Kiến Sầu giơ tay ra, cuối cùng rồi cũng vẫn cầm chiếc khóa bạc có xỏ chỉ đỏ ở trong rổ kim chỉ lên. Đầu ngón tay ấm áp tì lên họa tiết lạnh ngắt trên khóa mà trong lòng tưởng như phải bỏng.

Nàng chớp chớp mắt, nuốt ý lệ vào trong, kế cất cái khóa bạc đi, nói : “Con xong rồi. Sư phụ, chúng ta đi thôi.”

Nói đoạn, nàng vác cái bao nhỏ đựng quần áo lên vai, còn tay kia thì xách một cái bao khác lớn hơn, lại kẹp luôn theo một cán búa nữa.

Phù Đạo sơn nhân khóe miệng giật giật liên hồi : “Mang bao quần áo thôi cũng được, nhưng cái cây búa đó thì cầm đi chi vậy ?!”

Kiến Sầu thản nhiên đáp : “Dù sao nhìn cũng được mắt hơn thầy ôm ngỗng !” 

– …

Hu hu hu, miệng lưỡi cái con bé đệ tử này chua ngoa quá đi !

Phù Đạo sơn nhân thấy mình tổn thương, chẳng thèm lên tiếng nữa.

Kiến Sầu nhẹ nhàng thổi tắt ngọn đèn, để lại sau lưng một luồng khói xanh lửng lơ lãng đãng trong đêm. 

Ngoài nhà, trăng soi sáng trắng như sương, ánh bạc tứ tán đầy đất.

Kiến Sầu ra ngoài cài cửa lại. Nàng đi ngang qua liếp quây nuôi ngỗng rồi tới trước cổng sân.

Ngoảnh đầu nhìn lại, cái sân trước mặt thật đơn sơ vô cùng. Tứ bề tĩnh mịch, thảng có tiếng ếch nhái râm ran đó đây.

Hai mươi ba năm trước của nàng đã lặng lẽ trôi qua như vậy đó, chẳng có nổi sóng nổi gió gì lớn. Căn nhà tranh này chính là điểm cuối của hai mươi ba năm ấy. Từ sau đêm nay trở đi, nàng sẽ dấn thân bước vào một con đường mới.

Tương lai sẽ ra sao ?

Nàng không biết.

Ngay khi vừa quay đi, Kiến Sầu dường như đã bỏ lại hết mọi chuyện quá khứ sau lưng.

Nàng ra khỏi cửa, thấy Phù Đạo sơn nhân ôm con ngỗng trắng to đi theo thì cười.

– Két ! Két !

Cửa lại được nàng đóng lại.

– Cạch !

Khóa đồng móc qua, bấm nhẹ một cái là xong.

Kiến Sầu vẫn để chìa khóa lên khung cửa, giống như nàng chỉ đi xa một chuyến mà thôi, sau này sẽ còn trở lại nữa.

Phù Đạo sơn nhân nhìn hết một màn trên, tay này ôm ngỗng trắng, tay kia cầm gậy trúc nát, bên hông giắt bầu rượu, mặt mày cười cười cực kỳ khó hiểu : “Hề hề, tâm trạng chắc rối rắm lắm hả ?”

– Dạ, cũng không hẳn là vậy.

Chỉ hơi hơi mà thôi.

Kiến Sầu chậm rãi thở dài một hơi, xong liền xoay lưng, bước lại con đường đã đi lúc tới.

Phù Đạo sơn nhân chỉ ngược đầu kia : “Nhà con ở mút phía đông thôn. Chúng ta cứ đi thẳng hướng này thì có phải là ra luôn rồi không ? Sao lại còn nhắm đằng đó làm gì ?”

Kiến Sầu không đáp mà cứ đi thẳng tới.

Giờ này người trong thôn đã ngủ từ lâu, chung quanh tối om, chỉ có sao trời là giăng giăng đầy trên cao, trông sáng vô cùng.

Nhà gần nhà Kiến Sầu nhất là Từ gia.

Lúc mới dọn đến, nàng với Tạ Bất Thần có từng được gia đình này giúp đỡ. Cách đây ít lâu, Tạ Bất Thần còn mượn búa của họ để làm ghế nữa.

Kiến Sầu cúi xuống, cầm chiếc búa nhỏ trong tay để dựa vào cửa nhà đóng chặt của nhà họ Từ.

Tiếp theo là nhà họ Lý, họ Trương…

Trong đêm, bóng dáng Kiến Sầu cứ chốc chốc lại đứng lại trước hết cửa nhà người này đến cửa nhà người khác.

Son phấn bột nước nàng cũng mang ra, bỏ vào trong một cái hộp nhỏ để trước cửa nhà họ Lưu. Có lẽ, sáng sớm ngày mai, khi mặt trời dần dần nhô lên trên sơn cốc, chiếu sáng cả thôn, cô bé nhà họ Lưu kia thức dậy, mở cửa thì mặt mày chắc là sẽ hân hoan vui mừng lắm đây !

Nghĩ vậy, Kiến Sầu khẽ cười, để hộp lại xong thì vỗ vỗ tay đứng lên. Đến bây giờ, cái bao to mà nàng mang đi đã không còn thấy đâu nữa, chỉ còn lại mỗi một cái bao nho nhỏ đơn sơ.

Trong suốt thời gian đó, Phù Đạo sơn nhân mới đầu cứ nhìn nàng như nhìn quái vật, nhưng đến lúc này thì chỉ còn thầm khen từ tận đáy lòng.

Kiến Sầu quay lại đi cùng với lão ra ngoài. Nàng cười nói : “Sư phụ thấy con rất kỳ quái có phải không ?”

– Không !

Bước chân nhẹ nhàng, thong dong cực điểm, lão đáp : “Có ân thì báo, có tình thì trả, như vậy là chí tình chí nghĩa, sơn nhân rất thích.”

Chí tình chí nghĩa ư ?

Kiến Sầu thế mà lại không biết cái câu này có thể đúng là ứng với mình hay không. Nàng nghĩ nếu sư phụ đã nói vậy thì thôi cứ nhận lấy đi.

Hai người đi thẳng tới, chỉ chốc lát sau đã tới chỗ cây cổ thụ ở ngay chính giữa thôn kia. 

Kiến Sầu đưa mắt nhìn, nhưng Phù Đạo sơn nhân lại đứng lại, ngó các dải lụa đỏ cầu phước phơ phất đung đưa phía trên. Lão nói : “Đem cái khóa của con treo lên đi.”

– Sư phụ ?

Kiến Sầu kinh ngạc ngẩng đầu lên : “Tại sao ?”

Phù Đạo sơn nhân đáp : “Dù sao thì chuyện cũng đã qua rồi, bỏ đi con !”

Kiến Sầu bất giác nhăn mày, lắc đầu, tỏ ý không chịu. Nàng cười khổ nói : “Đứa bé chưa ra đời của con chỉ để lại cho con có mỗi một kỷ niệm nho nhỏ này thôi, vậy mà cũng không cho con mang đi sao ?”

Phù Đạo sơn nhân nhìn nàng thật lâu, cuối cùng đành bất đắc dĩ thở dài : “Thôi, đi thôi !”

Có lẽ về sau nó sẽ hiểu.

Kiến Sầu nhìn lại gốc cây già cành lá sum suê lồng bóng nguyệt, lụa đỏ phơ phất trong gió, cái mới cái cũ tựa như hằng hà sa số tâm nguyện của không biết bao nhiêu người.

Nàng im lặng suy nghĩ ý nghĩa trong việc Phù Đạo sơn nhân bảo nàng làm, nhưng rốt cục cũng không đành buông cái khóa ra, bao nhiêu ý niệm thôi liền gạt sang một bên, tập trung đi đường.

– Sư phụ, chúng ta đi đâu đây ?

– Ài…

Phù Đạo sơn nhân gãi gãi đầu ôm ngỗng trắng nghĩ ngợi : “Con có biết Thập Cửu Châu không ?”

– Dạ không !

Kiến Sầu thực thà đáp.

Phù Đạo sơn nhân bảo : “Người tu hành năng lực thông suốt, ai mạnh lại còn có thể hủy thiên diệt địa nữa, bởi vậy nên xưa nay không ở cùng một chỗ với người phàm. Thời đại con đang sống bây giờ là triều Đại Hạ. Đây là một vùng lục địa không nhỏ, bốn mặt toàn biển, người tu đạo chúng ta gọi là “cô đảo nhân gian”. Xa ngoài biển có núi tiên, phải vượt biển đi. Chỗ đó chính là Thập Cửu Châu, tu giả tụ tập, đại năng khắp nơi. Chúng ta sẽ đi tới đó.”

Nói đến đây, lão chợt vỗ trán : “À mà không, ta còn có chuyện chưa làm, làm xong mới đi được. Bởi vậy chúng ta đi về phía nam đi. Dọc đường sư phụ sẽ dạy con tu luyện, sau đó xong xuôi việc kia thì sẽ dẫn con đi Thập Cửu Châu !”

– Cô đảo nhân gian, cái tên này nghe cũng ngộ…

Kiến Sầu đeo bao quần áo đi trên sơn đạo, bỏ lại thôn làng lúc này đã xa tít sau lưng.

Sao nơi chân trời vẫn lấp lánh sáng.

Nàng liếc mắt ngó con ngỗng trắng Phù Đạo sơn nhân đang ôm, cầm lòng chẳng đặng liền nhắc : “Sư phụ, thầy ôm nó không mệt sao ? Bỏ nó xuống cho nó tự đi đi.”

– Cái gì ?

Phù Đạo sơn nhân sững ra, một hồi lâu sau cũng chưa hồi thần lại. Lão nhìn theo ánh mắt Kiến Sầu mới biết hóa ra nàng đang nói tới con ngỗng.

Lần này, Phù Đạo sơn nhân đã nghĩ thông. Lão ngồi liền luôn xuống đất, hề hề cười : “Con không nhắc ta cũng quên béng mất, bây giờ con ngỗng này là của ta rồi. Sơn nhân quyết định ăn nó xong rồi đi !”

Kiến Sầu cau mày : “Ăn nó ư ?”

Con ngỗng này nàng nuôi đã lâu, ít nhiều cũng có tình cảm, hơn nữa…

– Con ngỗng này là của thầy hồi nào ?

– Ủa ?

Phù Đạo sơn nhân hơi ngẩn ra : “Lúc con muốn ta thu con là đồ đệ, không phải đã nói con ngỗng trắng đi theo ta sao…”

– Dạ…

Kiến Sầu dường như bừng tỉnh, sắc mặt sau đó liền dịu xuống : “Dạ đúng, con ngỗng trắng to này đi theo thầy, vậy xin thầy bỏ xuống, cho nó đi đi.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *