8. Tên gì họ gì

Ve sầu râm ran, ngày hè oi bức.

Trên đường núi ngoằn ngoèo tít tắp, có một cô gái áo trắng cùng sóng vai đi với một ông lão. Trên lưng cô gái đó đeo một cái bao nhỏ, tóc mây đen nhánh.

Ngày hè tuy nóng nực nhưng phiến lá sen xanh tươi mơn mởn nàng cầm che trong tay thực quả chẳng khác gì một luồng gió mát thổi tới dưới trời nắng chang chang, hơn nữa người lại trắng da dài tóc, trông đẹp cực điểm.

Nhưng ông lão kia thì chẳng được như vậy, tuy đầu tóc không mướt mồ hôi nhưng mặt mũi xem ra lại đầy bi phẫn, quần áo lôi thôi tàn tạ, ngang hông giắt một cái hồ lô rượu vàng vàng, tay này cầm gậy trúc nát, tay kia kéo một sợi dây thừng.

Phía sau sợi dây là một cái xe đẩy nho nhỏ có gắn bánh xe, bên trên đứng chễm chệ một con ngỗng trắng lớn khí định thần nhàn.

Không sai, ông lão ấy chính là Phù Đạo sơn nhân tiên phong đạo cốt, tự xưng danh chấn lục đạo mười chín châu. Còn cô gái áo trắng đi bên cạnh thì dĩ nhiên chính là Kiến Sầu. 

Hôm nay đã là ngày thứ mười bọn họ rời cái thôn nhỏ kia.

Sau khi đi khỏi, thầy trò cứ thẳng hướng nam mà tiến. 

Song thương thay cho Phù Đạo sơn nhân dọc đường vậy mà lại còn phải mang theo một con ngỗng trắng. Vốn tưởng rằng thu đồ đệ, lễ vật không được như người ta thì ít nhất cũng phải được hai con ngỗng to, bởi dạo này lão đúng là có hơi thèm ăn.

Nhưng không ngờ hóa ra trước mặt lại có một cái hố to chờ lão lọt xuống.

Hôm đó, lão nói muốn thịt con ngỗn trắng, Kiến Sầu bấy giờ mới nói toạc ra, làm Phù Đạo sơn nhân tức đến nỗi gấu ó um sùm. Mà Kiến Sầu thấy lão nổi cáu thì tự nhiên lại cười một trận. Phù Đạo sơn nhân không biết sao cũng thôi không giận nữa.

Mấy ngày vừa qua, đây là lần đầu tiên cái con bé Kiến Sầu này cười thiệt tình. Đồ nhi của lão gặp nhiều sóng gió như vậy mà vẫn ráng nói ráng cười được thực đúng là đáng đau lòng.

Phù Đạo sơn nhân nghĩ ngợi một hồi thì liền dẫn con ngỗng trắng to lên đường luôn. Nhưng thực tế nhãn tiền sau đó đã chứng minh rõ ra rằng nhất thời mềm lòng thế nào cũng sẽ có chuyện !

Bọn họ đi, con ngỗng trắng cũng đi theo. Nhưng Phù Đạo sơn nhân lại muốn đi gấp, về lâu về dài nó làm sao mà theo kịp nổi chân người. Trong khi đó lão thực cũng chẳng đành bỏ nó.

Thấy Phù Đạo sơn nhân cứ dùng dằng dứt thì thương vương thì tội, Kiến Sầu mới khuyên lão thả nó đi, cho nó tự sinh tự diệt, hoặc không thì giết quách cho xong.

Ai ngờ không biết Phù Đạo sơn nhân có bị đứt sợi dây thần kinh nào không mà lão cứ nhất định phản đối, rốt cục cái khó ló cái mánh, chẳng biết sao lôi đâu ra được một cái xe đẩy nho nhỏ, bỏ con ngỗng trắng vào.

Từ đó trở đi, Phù Đạo sơn nhân đi đâu cũng kéo nó theo.

Kiến Sầu thực sự không còn lời nào để nói, tuyệt đối phục lăn trước ý tưởng lạ lùng quái dị của Phù Đạo sơn nhân —

Nàng từng thấy qua xe bò, xe ngựa, nhưng xe người thì từ nhỏ đến lớn lại chưa thấy bao giờ !

Sau xe còn chỉ chở độc có ngỗng !

Bây giờ Phù Đạo sơn nhân đang hì hà hì hục đi đằng trước, còn ngỗng ở phía sau thì lạ lùng “quác quác cạp cạp” kêu. Nghe tiếng inh ỏi bên tai, Kiến Sầu dõi mắt nhìn ra con đường trước mặt mà bất đắc dĩ cực kỳ.

– Sư phụ, chúng ta còn phải đi bao lâu nữa ?

Tiên nhân trong truyền thuyết chẳng phải đều biết bay hết sao ?

Sao Phù Đạo sơn nhân mang có con ngỗng mà phải kéo đi ?

Kiến Sầu trăm mối không sao hiểu nổi.

Nghe hỏi, Phù Đạo sơn nhân đứng lại, đưa tay lau mồ hôi không có trên đầu. Lão ngó nàng rồi lại không biết từ đâu lấy ra một cái đùi gà gặm gặm.

– Sơn nhân không vội đồ đệ vội, cô là thái giám* hả ?

* Nhái từ câu “Hoàng đế không vội thái giám vội”. Ý nói việc của mình người trong cuộc còn không hấp tấp vội vã mà người ngoài cuộc thì cứ sốt ruột cuống quít thay, dù nó chẳng liên quan gì tới bản thân họ. Về nguồn gốc câu nói, xin xem thêm cuối chương.

– …

Kiến Sầu im lặng nhìn lão trân trân, thực rất muốn nói nàng hỏi vậy thôi chứ có phải gấp gáp gì đâu.

Phù Đạo sơn nhân đã nhìn thấu dáng vẻ nàng. Lão đáp : “Được rồi, được rồi ! Ta biết suy nghĩ trong bụng con. Con bái sư học nghệ thật nhưng ta lại chưa dạy cho con cái gì hết. Là sư phụ không đúng. Nhưng sư phụ đi đường phải ăn đùi gà, phải ôm ngỗng, phải chỉ lối cho con, con thấy bận rộn ghê không ? Con đừng sốt ruột, bình tâm tĩnh khí cũng là một cách tu hành…”

Không, con không sốt ruột…

Không phải !

Thầy có thời gian ăn đùi gà, ôm ngỗng, chỉ đường cho con…

Vậy mà kêu là bận rộn ư ?!

Kiến Sầu nghe xong hốt nhiên liền như chợt vỡ lẽ ra. Nàng không khỏi lườm lão đáp : “Thầy đâu có nói không dạy con tu hành là vì để con bình tâm, ma luyện tâm cảnh chứ ?”

– Ủa, ta nói hồi nào ?

Ai nha, lộ tẩy rồi !

Chẳng biết sao thịt đùi gà vậy mà cũng nghẹn ngang cần cổ, Phù Đạo sơn nhân ngó lơ lơ lên trời : “Khụ, khụ… Nói sao ha, ta ta… ta không phải có ý đó. Chúng ta không phải đang đi gấp đây sao ? Hơn nữa, ít nhất cũng phải tìm ra một chỗ có linh khí dồi dào mới có thể bắt đầu tu luyện được. Sư phụ đang tìm chỗ đó chứ !”

Bàn tay Kiến Sầu đang kéo giữ cái bao đeo liền nhẹ nhàng xiết lại, tiếu ý trên mặt càng tươi : “Vậy hả sư phụ ? Ý thầy muốn nói hoàn toàn không phải là vì không muốn dạy đúng không ?”

– Đúng, đúng, đúng !

Phù Đạo sơn nhân gật đầu như bằm tỏi.

– Con yên tâm, sư phụ đã vẽ cho con một con đường bằng phẳng thẳng luôn tới trời ! Đi thêm nửa ngày nữa là sẽ tới Thanh Phong Am rất nổi tiếng của Đại Hạ nằm ngay ở thành Đại trên bờ biển đông. Sư phụ, sư phụ có người bạn cần phải đi thăm. Vừa hay chỗ đó ở cạnh bờ biển, linh khí dồi dào, hơn nữa tính chất lại ôn hòa vô cùng, rất hợp cho người phàm không có chút căn cơ nào như con tu luyện. Tới đó, sư phụ đi công chuyện, con tu luyện nha.

Kiến Sầu nhìn nhìn lão, không nói tiếng nào.

Phù Đạo sơn nhân xáp sát lại, giọng điệu dỗ dỗ dành dành : “Được rồi, sư phụ tuyệt đối không phải là người nói bậy nói bạ không biết giữ lời đâu ! Sư phụ làm sao để con thua kém người ta được chứ ? Tới lúc đó, con chắc chắn sẽ là lớp hậu bối mới lợi hại nhất toàn Thập Cửu Châu này ! Đi thêm nửa ngày nữa thôi là được !” 

Kiến Sầu bất giác nhìn nhìn trời. 

Trên trời tuyệt chẳng thấy bay con trâu nào*.

* Ý nói Phù Đạo sơn nhân không khoác lác thổi phồng đến nỗi bay cả trâu.

Mặc dù cảm thấy một tràng của Phù Đạo sơn nhân kia chẳng tin được là bao nhưng thấy lão dáng vẻ ân cần chu đáo, mặt mũi hồn hậu chân thành, Kiến Sầu thực ra không có lấy một chút tức giận nào. 

– Sư phụ, con thực không có sốt ruột. Con chỉ là thấy…

Thấy cái tật nói năng lung tung vớ vẩn của thầy nên sửa thì hơn. 

– Được rồi ! 

– Ha ha, yên chí, yên chí, chỉ có nửa ngày thôi !

Phù Đạo sơn nhân rối rít trấn an.

Thế là hai người bấy giờ mới tiếp tục đi.

Nhưng đi chưa được hai canh giờ, Kiến Sầu liền biết ngay cái ông lão này đúng là tin không được.

Sơn đạo phía trước vừa bẻ khúc quanh thì mới bắt đầu thấy đường bằng phẳng. Đứng giữa lưng chừng núi nhìn xuống dưới chỉ thấy núi non liên miên trùng điệp chạy từ bắc xuống nam dần dần thấp xuống, sống núi nhấp nhô cuối cùng cũng tan vào bình nguyên mênh mông trải hút tầm mắt.

Trên bình nguyên, thành trấn sầm uất phồn thịnh đông đúc đan xen, trông ra rất đậm đà khí vị hồng trần khói lửa nhân gian.

Thanh Phong Am ở thành Đại gần bờ biển đông ! 

Từ sơn thôn ra, bọn họ luôn đi một mạch về phía nam !

Nhưng nhìn mà xem, bây giờ Phù Đạo sơn nhân lại còn muốn dẫn Kiến Sầu đi sang phía đông nữa !

Ngay khi vừa thấy bình nguyên trải rộng trước mắt, Kiến Sầu rốt cục mới hay mình đã bị Phù Đạo sơn nhân gài chết từ đời nào.

– Đây là nửa ngày của sư phụ á ?

– Ừ, thì sao ? Lẹ chân chút nữa là tới mà !

– … Trả ngỗng trắng cho con đi !

Kiến Sầu bỗng chợt chẳng muốn cãi cọ với Phù Đạo sơn nhân nữa. Nàng đã nhìn ra rồi, vị sư phụ này mà không làm dữ thì lão sẽ cù nhây cù nhầy cho xem !

– Có gì từ từ nói, cứ hở chút là ngỗng ngỗng không à !

Thực ra nhìn bình nguyên trước mặt Phù Đạo sơn nhân cũng hơi có chút chột dạ. Chết rồi, cái hướng này không giống cái hướng mình muốn đi a !

Lão còn đang nghĩ xem tại sao ra nỗi nhưng bên tai lại cứ ong ong tiếng Kiến Sầu lãnh huyết vô tình, mặc kệ lý do. 

Phù Đạo sơn nhân tức thời cáu tiết. Lão xoay người ôm phắt con ngỗng lên, dè chừng nhìn Kiến Sầu.

Kiến Sầu mỉm cười : “Vậy sư phụ cho con biết, có đúng là nửa ngày không ?” 

– Cô cô cô cô cô gấp cái gì ! Ta nói nửa ngày là nửa ngày. Nửa ngày là sáu canh giờ. Bây giờ mới có… một, hai… hai canh giờ rưỡi à ! Còn ba canh giờ nữa, nhất định là tới mà !

Phù Đạo sơn nhân phân bua luôn miệng.

Kiến Sầu ngờ vực nhìn Phù Đạo sơn nhân từ đầu cho đến đôi giày rơm nát dưới chân, kế lại chỉ tay ra bình nguyên vô tận xa xa, rặt một vùng khói mây mờ mịt : “Thầy nói ba canh giờ nữa thì chúng ta sẽ ra khỏi bình nguyên ư ?” 

– Ta nói qua là qua được mà !

Phù Đạo sơn nhân trợn mắt : “Hừ, phải để cho cô thấy bản lãnh đặc biệt của sơn nhân ta mới được — Kiếm !”

Kiến Sầu còn chưa kịp định thần thì đã nghe thấy tiếng quát vang dội từ trong miệng Phù Đạo sơn nhân !

Kiếm !

Rắc rắc két két một tràng rổn rảng !

Kiến Sầu kinh ngạc nhìn sang thì thấy cái xe đẩy nhỏ làm bằng gỗ ghép vừa mới rồi còn nằm trên mặt đất kia tức thời liền chập lại thoăn thoắt !

Một luồng hào quang xanh lam sáng chói nhoáng xẹt qua. Chiếc xe đẩy lù lù đó thoắt cái đã biến thành một thanh kiếm gỗ chậm rãi dập dềnh trên khoảng không cách đất một xích.

Con ngỗng trắng được Phù Đạo sơn nhân ôm chặt trong người lập tức vùng vẫy, cố sống cố chết đập cánh phành phạch giống như muốn gào toáng lên : Xe của ta, xe của ta, kiếm của ta, kiếm của ta !

Thấy vậy, Phù Đạo sơn nhân giơ tay chộp ngay lấy nó chẳng cần suy nghĩ : “Biết điều một chút cho ta !”

Con ngỗng trắng tức khắc liền xìu xuống, gục cổ ủ rũ nhìn cây kiếm gỗ.

Đây là một thanh kiếm lớn, hình dáng cấu tạo cổ sơ, lưỡi rộng bằng hai bàn tay đặt song song, chiều dài được bốn xích. Kiếm cùn, không mũi nhọn, màu sắc hơi mờ xỉn, có nhiều chỗ còn thấy đen kịt.

Nhìn sát mới thấy các chỗ đen kịt ấy hóa ra thế mà lại là các họa tiết cong cong như nòng nọc, nhìn tựa một loại ấn lý thần bí nào đó.

Cả thân kiếm thoạt trông thực không đẹp. Nhưng ngay trong tích tắc nó xuất hiện, Kiến Sầu lại cảm giác thấy một khí vị chất phác tự nhiên hòa cùng đất trời toát ra từ bên trong.

Phù Đạo sơn nhân nhìn Kiến Sầu kinh ngạc, rốt cục cũng hừ một tiếng ra đằng mũi : “Kiếm này tên “Vô”, cô nhắm mắt thì lại sẽ không thấy được nó nữa.”

– … Còn có kiếm nào nhắm mắt lại mà vẫn nhìn thấy ư ?

Tu giới quả là đủ chuyện kỳ lạ.

Kiến Sầu khóe miệng bặm bặm xịu xuống.

– Không biết gì hết, không biết gì hết ! Đúng là có nói cô cũng chẳng hiểu, mau lên xe đi… a không, lên kiếm đi !

Phù Đạo sơn nhân tự mình bước lên trước, đứng cách đầu mũi kiếm một xích. Thanh kiếm gỗ vậy mà lại không nhúc nhích chút nào, vẫn cứ nổi trên không như cũ.

Kiến Sầu chần chừ một lát mới hiểu : Chắc là để bay đây.

Nàng đi tới, cẩn thận bước lên đứng phía sau, chỗ gần chuôi kiếm, lại sợ ngã nên mới nắm lấy tay Phù Đạo sơn nhân : “Sư phụ, như vầy có té không ?”  

– Con đứng yên sẽ không té đâu.

Phù Đạo sơn nhân cười hề hề, kế lại vuốt vuốt đầu con ngỗng trắng đang ôm trong lòng nói : “Ngoan, ngỗng ngoan, dẫn mày ngự kiếm đi mây về gió nha ! Vô kiếm, lên !”

Ngự kiếm lướt gió đi đấy !

Cuồng phong ào ào đập vào mặt, quần áo thốc bay phần phật trên cái thân gầy nhẳng của Phù Đạo sơn nhân dường như chịu chẳng nổi sức gió, nhưng ánh mắt của lão thoắt cái lại sôi nổi sáng ngời hẳn lên, cả người dường như cuồn cuộn hào quang sáng ngời.

Lão vững vàng đứng trên đầu mũi kiếm, tay vừa bấm thủ quyết xong thì hào quang xanh lam liền bùng lên khắp thân cây kiếm gỗ.

Thanh kiếm gỗ vốn đang phiêu phù nổi trên mặt đất thình lình bỗng bật dậy, phóng khỏi sơn đạo bay vút lên trời !

Cây cối cao lớn hai bên đường vốn lòa xòa khuất trời phút chốc liền xa hút khỏi tầm mắt Kiến Sầu.

Càng lúc càng cao, càng lúc càng cao.

Kiếm chao nghiêng nghiêng, mang nàng lên cao hơn nữa.

Thiên không xanh xanh, mây trắng cụm cụm lững lờ. Càng lên cao, màu sắc càng trong trẻo.

Chỉ chốc lát sau, bọn họ đã rời khỏi núi rừng khe thẳm bên dưới, nhắm thẳng bình nguyên bao la mà đi.

Mây vùn vụt lướt qua dưới chân họ, thành trấn phồn hoa thảy đều khuất dưới lớp sương khói mờ mờ ảo ảo, chỉ thấy được thấp tha thấp thoáng chút bóng dáng mà thôi.

Kiến Sầu đứng trên mây, tâm hồn nhất thời bồi hồi rung động. 

Núi non hùng vĩ dãy dãy trùng điệp tựa như những pho tượng vĩnh hằng đứng lặng giữa rìa bình nguyên, trông chẳng khác gì mạch đập phập phồng thình lình gồ lên khỏi mặt đất.

Sơn hà bát ngát đều nằm hết dưới chân.

Trời đất bao la, như đạp mây cưỡi gió mãi chẳng biết dừng; thân này bềnh bà bềnh bồng như rời bỏ thế gian, vũ hóa thành tiên.

Kiến Sầu nhất thời quên bẵng mình muốn nói gì, nghĩ gì, chỉ biết mải mê ngắm nhìn vạn vật. Mà dường hiểu được tâm trạng của nàng vào lúc này nên Phù Đạo sơn nhân cũng trở nên ít nói hiếm thấy.

Bởi ngự kiếm bay nhanh nên bình nguyên mênh mông dưới chân bọn họ đã không còn cái cảnh lặn lội đường xa mới băng qua nổi nữa.

Thanh kiếm Vô bằng gỗ hóa thành một đạo hào quanh xanh lam sáng trắng từ chân trời bay vút đi.

Biển đông mênh mang đã gần ngay trước mắt.

Nước biển xanh thẫm từ chân trời chảy lại, sóng cuộn dạt dào, bọt tung trắng xóa. Bờ biển cả vùng bằng phẳng, song ở chỗ giáp với bình nguyên lại nổi lên vài rặng núi thấp thấp. Ngọn cao nhất trong đó là núi Đại, trên có Thanh Phong Am, ấy chính nơi Phù Đạo sơn nhân muốn đi.

Xa xa, nhìn thấy vách đá cheo leo phía sau núi Đại, Phù Đạo sơn nhân bèn điều khiển kiếm gỗ nhắm hướng bay tới.

– Hạ !

Thủ quyết vừa bấm xong, đầu mũi kiếm gỗ cũng liền chĩa xuống.

Kiến Sầu hốt nhiên cảm thấy hụt hẫng chao đảo nhưng chân thì lại vẫn luôn đứng vững trên kiếm, dường như đã có phòng hộ hay sao đó rồi. Trong lòng bỗng chợt xúc động, sư phụ ngoài miệng cẳn nhẳn cằn nhằn, nhưng lúc ngự kiếm lại vẫn nghĩ cho nàng. 

Nghĩ vậy, nàng đưa mắt nhìn ra phía trước thì thấy Phù Đạo sơn nhân ôm khư khư con ngỗng trắng to hệt như ôm con !

Rốt cục ai mới là đồ đệ chứ !

Bao cảm xúc lâng lâng nãy giờ tức thời bỗng thành hư ảo…

– Vù !

Hạ cánh xong, Phù Đạo sơn nhân thở phào một hơi. Kiến Sầu cũng bước xuống kiếm, phóng mắt nhìn quanh tứ bề.

Khí hậu cảnh vật ở bờ biển đông này hoàn toàn không giống như ở sơn thôn nho nhỏ của nàng ở trước kia. Cây cối ở đây cao lớn rậm rạp hơn, tán lá xanh mượt. Đá vách núi dưới chân trắng xám, bề mặt xước xước nham nhở, tựa hồ như bị gió sương tuế nguyệt lâu năm bào tróc lên.

Nơi đây vách đá cao cao thẳng đứng, lưng chừng nghiêng nghiêng vài gốc cổ thụ cành lá lơ thơ. Gió từ dưới đáy vực thốc lên từng hồi, thổi rát cả mặt.

Phù Đạo sơn nhân tuy vậy lại nghênh ngang chẳng sợ. Ngay khi gió vừa thổi tới, lão bỗng chợt “ủa” lên một tiếng.

– Sao vậy thầy ?

Kiến Sầu cho rằng chỗ này có cái gì đó không hay.

Phù Đạo sơn nhân lắc đầu nói : “Không có gì đâu, người ta đưa tin cho sơn nhân thôi !”

– Người đó ở đâu ?

Kiến Sầu nhìn quanh nhìn quất mà chẳng thấy một ai.

Nàng ngoái lại thì thấy Phù Đạo sơn nhân đứng cạnh bờ vực, áo quần tơi tả phần phật trong gió. Lão giơ bàn tay xòe rộng năm ngón giống như để cảm biết quỹ tích gió thổi, kế liền nhíu mày nheo nheo mắt, quấy quấy nhè nhẹ đầu ngón tay trong gió.

Lát sau, dường như nhận ra được cái gì đó, ngón trỏ với ngón giữa chập lại, kẹp một cái giữa luồng gió.

Một đạo hào quang sáng bạc liền bị lão kéo từ hư không ra. 

– Không có ai hết, thư ở đây.

Kiến Sầu lạ lẫm nhìn luồng hào quang bạc trong tay Phù Đạo sơn nhân.

– Cái này là thư á thầy ?

Phù Đạo sơn nhân gật gật đầu ra vẻ như xác nhận với nàng.

Lão nhăn mày, miết nhẹ ngón cái với ngón trỏ lại. Tức thời, một đạo ngân quang nổ đùng, tán thành khói bạc bồng bà bồng bềnh giữa không trung, một lát sau thì tụ lại hóa thành hàng hàng văn tự.

Đây là cái gì ?

Kiến Sầu nhìn lên nhưng thấy chữ viết sao cứ mơ mơ hồ hồ, có ráng sao đi nữa cũng chẳng nhìn rõ nổi.

Phù Đạo sơn nhân thì lại tập trung chăm chú xem thư.

“Kính gửi Phù Đạo sơn nhân, Hoành Hư núi Côn Ngô hữu lễ.”

“Chiếu theo lẽ thường thiên đạo, dựa đại thuật để tính bách niên, ta đoán được Côn Ngô trong vòng trăm năm sẽ gặp nạn lớn. Có kẻ kinh tài tuyệt diễm xuất thế ngày hai mươi hai tháng sáu, sau này sẽ thay ta đứng ra cứu Côn Ngô khỏi cơn thủy hỏa, đảo ngược thế trời.”

“Ta nhờ Côn Ngô mà sinh, tất phải tận tụy hiến mình, mười ngày trước bèn đi phía tây Đại Hạ, thu được kẻ ấy làm môn hạ.”

“Người này tâm tính cực tốt, trần duyên tận hết, mặt sáng như ngọc, tao nhã thanh lịch, thông hết bách gia*. Tuy tay trái thủ đạo nhưng thiên phú trác tuyệt, mười ngày trúc cơ, thực ta cả đời hiếm gặp.” 

* Nói tắt của bách gia chư tử tức rất nhiều trường phái tư tưởng học thuyết của nhiều nhà.

“Sơn nhân với ta giao hảo lâu năm, giờ gặp chuyện mừng, xin chân thành mời sơn nhân cùng chung vui vậy.”

“Ngoài ra, mong sơn nhân sớm ngày trở về Thập Cửu Châu, có chuyện quan trọng cần bàn.”

Từng câu, từng chữ.

Phù Đạo sơn nhân xem xong, không biết trong lòng cảm thấy thế nào mà hai hàm răng nghiến lại kèn kẹt. 

– Cái lão già dịch Hoành Hư ! Mới thu đồ đệ thôi mà ! Gì mà mặt sáng ngọc, tao nhã thanh lịch ! Tu đạo đâu cần cái mặt đâu ! Lại còn tay trái thủ đạo nữa, thuận tay trái thì nói đại thuận tay trái đi, hoa hòe hoa sói cái quái gì chứ ! Xạo, xạo, xạo, xạo hết ! Mười ngày trúc cơ thì có gì mà không nổi ? Đồ nhi, đồ —

Lão la la hét hét oang oang, đến khi nhìn sang Kiến Sầu thì tự nhiên tắt tiếng cái bụp.

Kiến Sầu một thân áo trắng, trên người không chút tu vi, đang thắc mắc nhìn lão.

Phù Đạo sơn nhân nhớ tới cái “mười ngày trúc cơ” nhắc tới trong thư mà nhất thời chỉ thấy cổ họng nghẹn máu, thiếu chút nữa là phun luôn khỏi miệng.

Nhìn đồ đệ người ta rồi ngó tới đồ đệ của mình…

Nhất thời, Phù Đạo sơ nhân mặt mày như già đi nhiều tuổi.

Kiến Sầu nghe lão kêu gào xong cũng đoán ra nội tình, hình như đó là tại vì có ai đó nhận đồ đệ thì phải !

Mà điều…

Mặt sáng như ngọc, tao nhã thanh lịch, mười ngày trúc cơ…

Lại còn — 

Thuận tay trái nữa.

Kiến Sầu ngơ ngẩn ngẩng đầu hỏi : “Sư phụ, người đồ đệ mà lão già dịch Hoành Hư thu nhận kia tên gì vậy ?”

————

* Chú thích :
Nguồn gốc câu “Hoàng đế không vội thái giám vội” : Câu thành ngữ này cực kỳ thông dụng trong tiếng Trung, đọc nhiều sẽ thấy hoài. Nghĩa tuy trên mặt chữ nhưng Sweet không hiểu tại sao lại nói như vậy, bèn lướt một vòng trên web, tha về cho bạn đọc cách giải thích như sau : Thời xưa, vì hoàng đế không chỉ lâm hạnh có mỗi một người, với lại còn để bảo dưỡng long thể nên trong cung cấm có rất nhiều quy tắc. Lạ một điều là khi hành sự sẽ có một nhóm thái giám đứng nghe ở bên ngoài. Khi tới lúc, thái giám tổng quản sẽ bắt giọng, tất cả hô to : “Tới lúc rồi !” Đây là thời điểm hoàng đế sắp sửa kết thúc. Cứ kêu mấy lần như vậy, hoàng đế mất hứng sẽ chủ động kết thúc. Đời Thanh quy định hoàng đế với phi tử hành phòng không được quá nửa canh giờ (1 tiếng). Thái giám đã kêu rồi mà hoàng đế không chịu rời người thì họ sẽ lấy mền quấn phi tử mang đi. Bởi vậy mới có câu “Hoàng thượng không vội thái giám vội”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *